VITAS cho biết, xuất khẩu năm 2019 đạt 38,9 tỷ USD, ước năm 2020 sẽ đạt hơn 35,2 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu của ngành sẽ đạt 55 tỷ USD; trong đó, các sản phẩm chính bao gồm: xơ, sợi các loại đạt 4.000 tấn, vải đạt 3.500 triệu m2, sản phẩm may hơn 8.500 sản phẩm.
Giá trị thặng dư thương mại đến năm 2025 phấn đấu đạt 33 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 11,6%.
Trong giai đoạn 2020-2025, ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều lợi thế và thách thức đan xen, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 còn có thể kéo dài từ 1-2 năm tới. Đáng chú ý, khi Việt Nam đang thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới lại là cơ hội để các nhãn hàng lớn thâm nhập vào thị trường Việt Nam, tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn với sản phẩm dệt may trong nước.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, Hiệp hội sẽ tiếp tục tăng cường tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách còn bất cập với nhà nước; đặc biệt các vấn đề về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành…
Ngoài ra, Hiệp hội sẽ làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên nhằm hình thành chuỗi cung ứng dệt may đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA; kết nối các trường, viện trong nước với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
VITAS cho biết, mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu của ngành sẽ đạt 55 tỷ USD (Ảnh: VT)
Ông Giang cũng kiến nghị Bộ Công thương sớm trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; trong đó nhà nước quy hoạch và xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp dệt may lớn, có hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án dệt nhuộm; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến.
Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bỏ thuế VAT cho các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để may xuất khẩu (giống như vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu) nhằm tạo điều kiện hình thành chuỗi liên kết…
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay, Bộ Công hương đang tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may; xây dựng và sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong năm 2021.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các doanh nghiệp bằng cách tiếp tục mở rộng thị trường, bao gồm các FTA.
Với những FTA đã có, Bộ Công thương sẽ tiếp tục ghi nhận và ngồi với các doanh nghiệp để hoàn thiện các yêu cầu ví dụ như hoàn thiện hơn các quy định về quy tắc xuất xứ...để đáp ứng yêu cầu của các FTA. Cùng với đó là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh…
Ngoài ra, ngành dệt may cần tập trung giải quyết những khâu còn yếu như: thiết kế và phát triển thương hiệu để tiến tới xuất khẩu sản phẩm bằng thương hiệu của chính mình; chuyển mạnh từ gia công sang các hình thức có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao hơn.