Năm 2021: Huy động nguồn lực hơn 269,5 nghìn tỷ đồng
Tại Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2020-2021, do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế liên tiếp giảm ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025.
Theo dự báo, tăng trưởng bình quân trong 5 năm chỉ đạt 5,4%, thấp hơn đáng kể mục tiêu đề ra là 6,5-7%/năm. Tình hình sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức về ổn định vĩ mô, lạm phát; chi phí đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy; nảy sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội...
Cũng theo Bộ trưởng, nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ đã được triển khai, đạt kết quả tích cực. Tính riêng năm 2021, đã huy động và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước (NSNN), các quỹ ngoài ngân sách với tổng quy mô đạt trên 269,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP.
Các chính sách hỗ trợ đã được ban hành kịp thời (như Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ...; chính sách chung về thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 105/NQ-CP, Nghị quyết 63/NQ-CP), triển khai nhanh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, người dân chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp từ dịch bệnh.
“Tuy nhiên, trước những khó khăn, tác động sâu rộng của dịch bệnh, cần phải có giải pháp, chính sách tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…”- Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, các giải pháp, chính sách cho năm 2022-2023 phải nhanh chóng hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm, 5 năm, 10 năm đã đề ra, không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới. “Do vậy, việc xây dựng Chương trình, cùng với các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình tại thời điểm hiện nay là phù hợp, cấp thiết”- Bộ trưởng khẳng định.
Trong điều kiện dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hiện nay, Bộ trưởng cũng cho rằng cần thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp với khả năng huy động nguồn lực và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bám sát mục tiêu, định hướng đề ra, tác động cả phía cung và phía cầu, đáp ứng yêu cầu cả trong ngắn và dài hạn…
Chính sách tài khóa kết hợp chính sách tiền tệ…
Bộ trưởng đề xuất giải pháp tài khóa có tổng quy mô là 291 nghìn tỷ đồng, gồm: tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ NSNN là 240 nghìn tỷ đồng, trong đó, giảm thuế, phí, lệ phí là 64 nghìn tỷ đồng; chi trực tiếp từ NSNN là 176 nghìn tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển (trong đó lớn nhất là đầu tư hạ tầng giao thông là 103,164 nghìn tỷ đồng); Bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2021 khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 6 nghìn tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022; tăng thêm tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; nhà ở xã hội; phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về chính sách tiền tệ, Bộ trưởng đề xuất 5 giải pháp.
Thứ nhất, cần điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 02 năm.
Thứ hai, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, điều tiết thanh khoản phù hợp để tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất.
Thứ tư, điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Thứ năm là sử dụng khoảng 46 nghìn tỷ từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị phòng chống dịch.
Cùng với đó, Bộ trưởng đề xuất sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó sử dụng 1 nghìn tỷ đồng để mua máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (tổng số tiền trích lập Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là 20,527 nghìn tỷ đồng, số tiền đã chi ra là 11,027 nghìn tỷ đồng, số dư quỹ đến hết năm 2020 là 9,5 nghìn tỷ đồng) để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh...
Để nền kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp phục hồi tăng trưởng
Để bảo đảm bù đắp được số bội chi NSNN tăng thêm từ Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất các phương án huy động nguồn lực.
Một là, sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong kế hoạch trung hạn; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi. Phấn đấu tăng thu với một phần nguồn thu tăng thêm nhờ tác động tích cực của Chương trình, triệt để tiết kiệm chi NSNN; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, triển khai hóa đơn điện tử, tận dụng các dư địa tăng thu NSNN; thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai.
Hai là, sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình; đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước; rà soát lại các quỹ tài chính ngoài NSNN, năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để có kế hoạch huy động, sử dụng phù hợp.
Ba là, phát hành trái phiếu Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và đảm bảo các cân đối lớn. Ưu tiên phát hành trái phiếu chính phủ trong nước bằng nội tệ, trường hợp cần thiết có thể phát hành bằng ngoại tệ. Theo dự kiến, mức phát hành trái phiếu chính phủ trong nước giai đoạn 2021-2025 là 500 nghìn tỷ đồng/năm như Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025, chưa tính đến lượng trái phiếu chính phủ phát hành để thực hiện Chương trình. Bộ trưởng cho biết, nếu tổ chức tín dụng duy trì tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ như hiện nay (42,3%) thì hàng năm tổ chức tín dụng sẽ mua ròng thêm khoảng 211.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ phát hành mới. Trong phương án phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ, giải pháp được đề xuất là sẽ phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ trong nước.
Bốn là vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, trong đó chủ yếu từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB...) và các nhà tài trợ nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc...) theo hình thức hỗ trợ ngân sách.
Bộ trưởng đề xuất, sau khi đã triển khai các phương án huy động nêu trên, trường hợp vẫn chưa đáp ứng đủ nguồn lực từ NSNN hỗ trợ thực hiện Chương trình thì cho phép huy động các nguồn hợp pháp khác, trong đó có thể vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính-NSNN hằng năm hoặc các nguồn khác theo quy định (như Ngân hàng Nhà nước tạm ứng cho NSNN hoặc Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước).
Bộ trưởng nhận định, trong trường hợp không thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, dự báo tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 5,4%/năm. Khi thực hiện hiệu quả, chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đặc biệt, các giải pháp được thực hiện sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới, nhất là những đối tác lớn của nước ta./.
Tại Tờ trình về các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ bài học kinh nghiệm trong xây dựng giải pháp này. Cụ thể, một số ít các quốc gia phát triển, có tiềm lực, thực hiện các gói hỗ trợ lớn, chủ yếu là hỗ trợ tài khóa thông qua tài trợ nền kinh tế, người dân bằng tiền mặt để kích thích tổng cầu, từ đó kích thích phía cung để phục hồi và phát triển. Hầu hết các nền kinh tế còn lại ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp với khả năng nguồn lực.
Tại Việt Nam, chính sách kích cầu trong nước giai đoạn trước đây (2009-2013) bộc lộ một số hạn chế, như chưa kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với tiền tệ; phạm vi rộng, mức hỗ trợ lớn trong khi mặt bằng lãi suất huy động cao nên một số đối tượng lợi dụng chính sách; kích cầu đầu tư công thiếu kiểm soát chặt chẽ dẫn tới vốn ứng trước lớn, đầu tư dàn trải, tăng nợ đọng để lại hậu quả phải giải quyết trong nhiều năm.