Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã trình UBND thành phố về chủ trương triển khai hệ thống giao thông thông minh giai đoạn 1. Theo đó, Sở GTVT đề xuất TP. Hà Nội cho phép cơ quan này triển khai hệ thống thông qua hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Dự án có tổng chi phí hơn 392 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách của thành phố, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2027.
Trong giai đoạn đầu của đề án, Sở GTVT Hà Nội sẽ triển khai việc thành lập Trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội (trên nền tảng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng hiện nay) để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy triển khai thực hiện khai thác 9 chức năng ban đầu của hệ thống giao thông thông minh (ITS).
Trong đó, Sở GTVT Hà Nội sẽ triển khai đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng trung tâm, địa chỉ tại số 1 Kim Mã. Hạng mục cải tạo bao gồm sửa chữa trụ sở, lắp đặt hệ thống máy chủ, hệ thống màn hình, hệ thống phần mềm lõi dùng chung, hệ thống phần mềm gắn với 9 chức năng khai thác giai đoạn đầu.
Ngoài ra, Sở sẽ lắp đặt hệ thống các thiết bị ngoại vi, bao gồm hệ thống camera giám sát tốc độ, đo đếm lưu lượng xe cộ và xử phạt vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống bảng báo điện tử, hệ thống tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông và hạ tầng truyền dẫn cũng sẽ được xây dựng và nâng cấp nhằm phục vụ cho việc quản lý giao thông hiệu quả hơn.
Phạm vi triển khai hệ thống giao thông thông minh sẽ nằm bên trong Vành đai 3 của Hà Nội, bao gồm 55 nút trên các tuyến đường Vành đai 1, 2, 3 và các trục giao thông chính xuyên tâm. Trong đó, dự kiến sẽ lắp đặt khoảng 600 camera giám sát, 20 biển báo giao thông thông minh và 10 tủ điều khiển đèn tín hiệu thích ứng. Những thiết bị này sẽ giúp nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý giao thông và cải thiện tình hình lưu thông trong khu vực.
Hệ thống giao thông thông minh sẽ có các chức năng chính, bao gồm: giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng. Hệ thống này sẽ giúp tối ưu hóa việc quản lý giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng và cải thiện an toàn giao thông.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “Việc tổ chức nghiên cứu triển khai đề án là rất cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Đồng thời là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông”.
Trong cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước diễn ra vào sáng ngày 23/7 tại Văn phòng Chủ tịch nước, 5 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định cụ thể và rõ ràng vị trí và vai trò của Thủ đô; các chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho Hà Nội bổ sung 2 TP thuộc Thủ đô, đó là thành phố phía Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài, sẽ định hướng trở thành thành phố logistics, dịch vụ. Thành phố thứ 2 trong Thủ đô là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học thuộc phía Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai với trung tâm là Khu công nghệ cao Hoà Lạc.
Việc bổ sung 2 thành phố thuộc Thủ đô theo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đưa Hà Nội trở thành đô thị đặc biệt nhất Việt Nam.