Trong Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm được đưa ra thảo luận tại hội trường.
Theo dự thảo, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm... không được kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp được loại trừ như: Mua để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, các trường hợp được loại trừ khác, gồm: cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.
Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng: Việc không cho doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản là đúng nhưng nên cho phép đầu tư bất động sản.
Bởi lẽ, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị “Về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế” đã đặt ra các mục tiêu.
Trong đó, đến 2035 nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20% - 30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn; đến 2045 nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 30% - 50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn và quyết định nhiệm vụ, giải pháp “Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế”.
“Do vậy, điểm a và điểm b khoản 3 Điều 150 “Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)” quy định doanh nghiệp bảo hiểm “không được phép đầu tư bất động sản” là chưa phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”, ông Châu nhấn mạnh.
Ông Châu cho rằng, điều cần thiết cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản (nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản).
“Nguồn vốn bảo hiểm cũng là một nguồn vốn xã hội hóa rất lớn cần được khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư, góp phần chia sẻ bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng”, Chủ tịch HoREA nêu quan điểm.
Theo ông Châu, việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào lĩnh vực bất động sản vẫn đảm bảo phù hợp với quy định không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản.
Nguyên nhân do khoản 5 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản, nên doanh nghiệp bảo hiểm cũng không được trực tiếp kinh doanh bất động sản mà chỉ được đầu tư vốn và được phân chia lợi nhuận (hoặc chịu lỗ) theo hợp đồng góp vốn đầu tư.
Về mức vốn mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ông Châu nhận thấy quy định doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư tài chính, góp vốn vào lĩnh vực bất động sản với mức tối đa 10% đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tối đa 20% đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Điều 62 Nghị định 73/2016/NĐ-CP là phù hợp.
"Điều này vẫn phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và thanh khoản", ông Châu nói thêm.