Để trả nợ ngân hàng, Phục Hưng Holdings huy động vốn từ cổ đông

(CL&CS) - Phục Hưng Holdings sẽ chào bán gần 23 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng như nhà đầu tư bên ngoài nhằm huy động vốn trả nợ ngân hàng và thực hiện mua cổ phần các công ty sân sau.

Vay vốn ngân hàng đang là gánh nặng của Phục Hưng Holdings.

CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (Phục Hưng Holdings) vừa nhận được giấy phép chào bán 22.874.130 cổ phiếu ra công chúng từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó, công ty sẽ chào bán 12.874.130 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 2:1 và tổ chức đấu giá 10 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu đợt phát hành này thành công, Phục Hưng Holdings thu về tối thiểu 249 tỷ đồng. Nguồn vốn thu được, công ty dùng 80 tỷ đồng trả nợ vay ngân hàng, 70,4 tỷ đồng mua cổ phần CTCP Phú Lâm (Phú Lâm) từ CTCP Đầu tư Kinh doanh An Phú Hưng (An Phú Hưng), 42,3 tỷ đồng góp vốn bổ sung vào An Phú Hưng và 56 tỷ đồng đầu tư mua cổ phiếu của CTCP Đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Điện Biên (Điện Biên).

Hiện nay, vay và nợ thuê tài chính là gánh nặng của Phục Hưng Holdings. Tại thời điểm 30/6, công ty có 942 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 16 tỷ đồng nợ dài hạn khiến chi phí lãi vay trong nửa đầu năm lên gần 25 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động được, công ty dành 80 tỷ đồng trả nợ ngân hàng.

Phục Hưng Holdings sẽ chi 70,4 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 80% tại Phú Lâm. Hiện nay, Phú Lâm (trụ sở tại thôn Nam Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có vốn điều lệ 88 tỷ đồng với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Tuy nhiên, giao dịch này là sự chuyển dịch tỷ lệ sở hữu từ An Phú Hưng (một công ty liên kết của Phục Hưng Holdings với tỷ lệ sở hữu 40%) sang Phục Hưng Holdings. Hiện nay, Phú Lâm là chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Đắk Sor 2 đã đi vào phát điện từ 6/2021. Nhà máy thủy điện có công suất 7,5 MW, tổng mức đầu tư hơn 281 tỷ đồng.

Phục Hưng Holdings chi 42,3 tỷ đồng để tham gia đợt tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng của An Phú Hưng, tỷ lệ phát hành 80%. Ngoài việc mua cổ phiếu phát hành thêm, Phục Hưng Holdings còn gia tăng tỷ lệ sở hữu từ 40% lên 46% tại An Phú Hưng.

Nguồn vốn thu được 80 tỷ đồng, An Phú Hưng góp 44 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu tại CTCP Nhà Mỹ Xuân Hà Nội và 36 tỷ đồng đầu tư dự án cụm công nghiệp Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn với quy mô 71,39 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 680 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn là 39,19 năm.

Phục Hưng Holdings dùng 56 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 28% tại Điện Biên với vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Điện Biên là chủ đầu tư dự án thủy điện Nậm Núa 2 (sông Nậm Rốm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) có công suất 7,5 MW, tổng mức đầu tư 218 tỷ đồng. Hiện nay, dự án thủy điện Nậm Núa 2 đang chuẩn bị triển khai thi công.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Phục Hưng Holdings đạt 413 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 50% so cùng kỳ năm trước nhưng doanh thu hoạt động tài chính tăng đến 38 tỷ đồng là cứu cánh cho công ty khi lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng, tăng 562% so cùng kỳ.

Do lợi nhuận tăng đột biến cũng như kỳ vọng vào đầu tư công nên cổ phiếu PHC của Phục Hưng Holdings tăng 38% so với đầu năm nay. Tuy nhiên, so với mức đỉnh 26.300 đồng/cổ phiếu được thiết lập vào 6/9, cổ phiếu PHC đã bốc hơi 34%. Đóng cửa ngày 8/10, PHC đạt 17.350 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa có trị giá 456 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN