Dãy núi 1.100km dài nhất Việt Nam, xương sống của bán đảo Đông Dương, kéo dài từ thượng nguồn sông Cả trên đất Lào giáp Nghệ An tới tận cực nam Trung Bộ

Vẻ đẹp núi rừng trên dãy Trường Sơn sẽ khiến du khách đắm mình trong cảm giác thư thái hòa mình với thiên nhiên một cách trọn vẹn.

Khởi nguyên từ thượng nguồn sông Cả đến giáp miền Đông Nam Bộ, dãy núi Trường Sơn có chiều dài hơn 1.100 km, với tổng diện tích khoảng 22 triệu ha. Dãy núi nằm giữa ba quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia với hai vùng chính, Bắc và Nam Trường Sơn. Ở Việt Nam, Trường Sơn có trong địa đồ của 21 tỉnh thành. Từ lâu, dãy núi này đã được xem là “Đệ nhất thiên nhiên Đông Dương”.

Với 1.100km dài theo kinh tuyến, đi dọc Trường Sơn sẽ được “hưởng thụ” các chế độ chuyển mùa liên tục theo chiều dài dãy núi. Khi chân núi là mùa hè nóng bức thì trên các cao nguyên và đỉnh núi là kiểu cận nhiệt hay ôn đới. Những vùng cao mát lạnh là những vườn dược liệu tự nhiên phong phú với rất nhiều loài bản địa.

Chướng ngại khó vượt của con người ở Trường Sơn là do độ phân cắt chiều sâu và chiều ngang khá lớn. Nhưng nhờ thế lại thuận lợi cho sự di chuyển và cư trú của sinh vật bởi có ít sự quấy nhiễu. Ngoài thực vật bản địa, Trường Sơn là nơi đón nhận các luồng di cư từ Vân Nam, Tây Tạng, Thái Lan và cả các đảo trên biển Đông bao la. Các hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa xanh tốt quanh năm trên địa hình đá vôi karst ở Trường Sơn Bắc, rừng khộp ở Trường Sơn Nam là những hệ sinh thái đặc thù mà trên thế giới ít nơi nào có được.

Tô điểm cho sự hùng vĩ của Trường Sơn là những khối núi lớn thuộc hàng bậc nhất Đông Dương như: Hoành Sơn, Bạch Mã, Giăng Màn, Kẻ Bàng, An Khê, Ngọc Linh, Chư Yang Sin… Với những ngọn núi cao ngất trời như: Pu Xai Lai Leng (nằm trên biên giới Việt – Lào, thuộc địa phận tỉnh Nghệ An), Rào Cỏ (biên giới Việt – Lào, Hà Tĩnh), Động Ngài, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Ngọc Linh (Quảng Nam)…

Với địa hình hiểm trở, kéo dài từ Bắc tới Nam, cắt ngang ra tận biển, dãy Trường Sơn có rất nhiều cung đèo hiểm trở. Cả 3 cung đèo Hải Vân, An Khê, Sa Mù đều nằm trên dãy Trường Sơn. Dãy núi này còn là đường phân thủy của hai hệ thống: Sông Sê San chảy sang phía Tây, góp nước cho dòng Mê Kông và hệ thống khác chảy sang phía Đông, đổ ra biển Đông gồm sông Cái, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Ba.

Những kỳ quan tô điểm cho sự hùng vĩ của dãy Trường Sơn

Núi Bạch Mã

Bạch Mã là một dãy núi đẹp, là phần ăn ngang của Trường Sơn, chạy cắt ra sát biển. Nơi đây có đèo Hải Vân nổi tiếng, có lưu lượng mưa lớn nhất Việt Nam. Dãy này có đỉnh cao nhất là 1.444m, là nơi quy tụ nhiều loài động, thực vật quý hiếm ở miền nhiệt đới. Bạch Mã chỉ cách biển 18km nên có dáng dấp sinh cảnh, sự đa dạng sinh học khá riêng biệt ở Trường Sơn.

Vào mùa hè, những thác nước và khe suối có lẽ là địa điểm được du khách ghé thăm nhiều nhất. Không chỉ thực vật đa dạng mà động vật ở đây cũng rất phong phú. Nhiều loại động vật được đưa vào sách đỏ của Việt Nam, một số loài thì cần được ưu tiên bảo vệ. Một số loài quý hiếm như: vượn đen má trắng, sao la, gấu ngựa, khỉ mặt đỏ, voọc ngũ sắc…

Khi bạn leo đến đỉnh núi Bạch Mã sẽ bắt gặp một Vọng Hải Đài nhìn như một tòa thành rất đẹp nằm ở đỉnh núi. Từ trên nhìn xuống bạn sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh đẹp tuyệt vời. Nhìn xa xa là những dãy núi trải dài nối tiếp nhau mang một màu xanh tươi mát.

 Vọng Hải Đài

Nơi đây còn nổi danh với nhiều con thác tuyệt đẹp say đắm lòng người. Được xem là niềm tự hào của Bạch Mã, thác Đỗ Quyên - thác cao nhất ASEAN. Nằm ở độ cao 300m, thác Đỗ Quyên như một bức tranh đẹp giữa chốn bồng lai tiên cảnh.

Thác Đỗ Quyên

Đến đây, dường như mọi âu lo, muộn phiền của bạn sẽ tan biến, bạn sẽ được hòa mình với thiên nhiên.

Trekking Núi Ngọc Linh

Núi Ngọc Linh (Ngọc Linh Liên Sơn) được biết đến như khối núi chống trời của dãy Trường Sơn đồ sộ. Sở hữu vị trí địa linh hội tụ cùng vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, còn gì bằng chinh phục ngọn núi nổi danh đại ngàn này. Hàng năm Ngọc Linh thu hút hàng triệu lượt tham quan trong đó nổi bật nhất chắc chắn phải kể đến hoạt động chinh phục đỉnh núi chọc trời đầy mạo hiểm.

Tuy khí hậu Kon Tum quanh năm mát mẻ nhưng nhìn chung thời điểm lý tưởng nhất để check-in ngọn Núi Ngọc Linh là từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, khi tiết trời trong lành, thoáng đãng, nắng ráo và cực kỳ ít mưa. Bởi vì cung đường trekking đặc biệt dốc và hiểm trở, bạn cần có người hướng dẫn có kinh nghiệm và các dụng cụ hỗ trợ leo núi chuyên nghiệp mới có thể bắt đầu hành trình khám phá Ngọc Linh Liên Sơn.

Bạn có thể ghé đến vào 2 tháng cuối năm là tháng 12 và 11 để kết hợp ngắm hoa dã quỳ nở rộ vàng rực trong suốt chuyến đi hay tận hưởng khung cảnh rừng cao su mùa thay lá tháng 1, đồi cà phê ra hoa nhỏ xíu, trắng muốt làm sáng bừng cả một vùng trời tháng 3. Tất cả đều hứa hẹn sẽ mang đến bạn những phút giây du lịch đáng nhớ.

Pù Xai Lai Leng - Đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn

Pù Xai Lai Leng là một ngọn núi trên dãy Trường Sơn Bắc, có đỉnh cao 2.720m. Pù Xai Lai Leng vào mùa này như một bức tranh thủy mặc, đẹp đến nao lòng. Núi có cấu tạo granit xuyên lên trầm tích cổ sinh hạ, nơi đây có hơn 726 loài thực vật, trong đó hơn 270 loài dược liệu quý. Đường lên đỉnh là những cánh rừng già, thân cây cao lớn, rậm rạp, đầy rêu phong...Nhìn từ xa, đỉnh núi Pù Xai Lai Leng như một bức trường thành hùng vĩ, nhưng cũng không kém phần duyên dáng, khi được phủ quanh mình những dải mây trắng tinh khôi, bồng bềnh.

Đến Pu Xai Lai Leng, du khách được thưởng ngoãn những dãy núi được những làn mây trắng tinh khôi ôm ấp

Với đồng bào dân tộc Mông, Pù Xai Lai Leng là ngọn núi thiêng, huyền bí, ngự trên đó là trời. Nhiều bạn trẻ khi chinh phục đỉnh núi đều ghi lại những tấm hình kỷ niệm. Đây còn được gọi là "mắt thần" của các dân tộc vùng biên viễn miền Tây xứ Nghệ. Nơi đây ẩn chứa những bí ẩn của thiên nhiên kỳ vĩ, thu hút du khách đam mê khám phá.

Đèo Hải Vân

Với địa hình hiểm trở, kéo dài từ Bắc tới Nam, cắt ngang ra tận biển, dãy Trường Sơn có rất nhiều cung đèo hiểm trở, Đèo Hải Vân chính là một trong số đó.

Cung đường của đèo Hải Vân nổi tiếng bởi độ nguy hiểm và tráng lệ với độ dài tới 20km và có điểm dừng chân tại đỉnh đèo: Hải Vân Quan. Cung đường khúc khuỷu với nhiều khúc cua mạo hiểm đã đánh thức cảm giác muốn chinh phục của dân mê phượt. Trên đường đèo, một bên là vách núi dựng thẳng, một bên là vực biển. Cảm giác thích thú pha chút lo lắng khi đi qua một đoạn cua gấp, làn gió lướt qua tai mang theo vị trong lành của núi, của biển, thật sự sẽ gây ấn tượng mạnh cho du khách.

Có hai cách để khám phá đèo Hải Vân đó là chinh phục đèo Hải Vân bằng xe máy hoặc bằng tàu. “Phượt” đèo Hải Vân là cách nhiều du khách lựa chọn vì được chiêm ngưỡng cảnh đẹp toàn diện nhất.

Du khách cũng có thể chọn tàu làm phương tiện để ngắm cảnh đèo Hải Vân với điểm khởi đầu từ ga Kim Liên, Đà Nẵng, tàu sẽ đi trên cung đường sắt Hải Vân trên triền núi, đi qua 18 cầu và 6 hầm. Tàu đi qua đèo Hải Vân với vận tốc rất chậm, đủ để bạn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp tuyệt vời qua khung cửa sổ tàu.

Chuyến tàu qua đèo Hải Vân kết thúc ở ga Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Du khách cũng có thể chọn chuyến tàu hướng ngược lại, bắt đầu từ ga Lăng Cô và kết thúc ở ga Kim Kiên.

Ảnh: báo Dân trí, báo Đà Nẵng.