Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2020, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,37 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,55 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2019.
Trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm số 1 của Việt Nam, tăng trưởng 34,33% so với năm 2019, và Việt Nam cũng là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ trong năm 2020, chiếm 37,2% thị phần của Hoa Kỳ.
Cục Xuất Nhập khẩu nhận định, thành công của ngành gỗ trong năm 2020 là nhờ sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ.
Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam cũng tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã ký kết để mở rộng giao thương quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Việc tham gia các FTA với các cam kết cắt giảm thuế quan đối với gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ có xuất xứ Việt Nam đã góp phần tăng năng lực cạnh tranh và giúp ngành gỗ Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường nhập khẩu.
Thành công của ngành gỗ trong năm 2020 là nhờ sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ. Ảnh: C.T
Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch HĐQT công ty CP Lâm Việt cho biết, trong thời gian qua, thương hiệu gỗ của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ đã được cải thiện rõ rệt và có chỗ đứng nhất định tại thị trường này. Người dân Hoa Kỳ sẵn sàng mua sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam, thậm chí giá cả có đắt hơn so với sản phẩm tương tự của thị trường Trung Quốc.
Theo ông Liêm thì trong năm qua 2020, ngành gỗ tăng trưởng, nhất là các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm. Bởi dịch Covid-19 khiến người dân Hoa Kỳ ở trong nhà nhiều hơn, và họ có nhu cầu sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới thay thế đồ gỗ nội thất trong nhà. Đặc biệt, với thói quen tiêu dùng đồng bộ, đây là lý do vì sao tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng lên.
Mặc dù ngành gỗ Việt đang có rất nhiều thuận lợi để vào thị trường Hoa Kỳ và để duy trì sự tăng trưởng ở thị trường này theo ông Nguyễn Liêm thì bên cạnh những cơ hội rất lớn thì nguy cơ ở thị trường này cũng khá cao. Bởi đây là thị trường lớn và rất nghiêm khắc trong chuyện lẩn tránh thuế, gian lận thương mại. Bởi vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyên nghiệp, các sản phẩm xuất khẩu sang phải đảm bảo các quy định. Bởi nếu chỉ một sản phẩm nào mắc lỗi thì sẽ bị thị trường này cấm cửa rất lâu.
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, sản phẩm chiến lược cho sự bứt phá của ngành gỗ trong thời gian tới tại thị trường Hoa Kỳ sẽ là tủ bếp, tủ nhà tắm (chưa kể ván trang trí).
Tuy nhiên, ông Lập cũng chỉ ra, vận động của các doanh nghiệp vẫn thiếu sự ăn nhịp. Để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần nhận thức lại về vấn đề thị trường, chiến lược sản phẩm, tạo ra khả năng cạnh tranh để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Cũng theo ông Lập thì thay vì trước đây các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào làm nhiều mặt hàng thì nay nên tập trung vào một số sản phẩm. Các doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng 70% các thiết bị đang có để sản xuất tìm giải pháp xử lý bề mặt và xử lý khâu hoàn thiện khâu sơn sản phẩm.