Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ bưởi cho người dân

(CL&CS) - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội giữ ổn định diện tích bưởi khoảng 7.800ha để nâng cao chất lượng và đa dạng cơ cấu giống bưởi, như: Bưởi Thồ, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi đường Cát Quế... Mặt khác, mở rộng diện tích trồng bưởi theo hướng VietGAP, hữu cơ, minh bạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Sở (huyện Hoài Đức) Nguyễn Đăng Long, với 298ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó trồng lúa 15ha, còn lại trồng cây ăn quả và các loại rau màu. Riêng diện tích trồng cây bưởi khoảng 70ha và 55ha cây ổi. Với 70ha trồng bưởi, chủ yếu hợp tác xã trồng giống bưởi tôm vàng, bưởi đỏ Yên Sở… sản lượng khoảng 500 tấn. Ngoài ra, sản xuất bưởi theo hướng an toàn VietGAP, hữu cơ cho giá trị cao hơn 10-15% so với canh tác theo hướng truyền thống.

Nhiều vùng trồng bưởi tập trung quy mô lớn tại Hà Nội

Đề cập đến tiềm năng, lợi thế về cây bưởi của huyện Hoài Đức, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Khuất Trọng Kiên cho hay, trên địa bàn huyện có 370,6ha trồng bưởi ở các xã vùng bãi ven sông Đáy, như: Cát Quế, Yên Sở, Đông La, Dương Liễu...; năng suất bình quân 18,5 tấn/ha; sản lượng đạt 6.856,1 tấn. Đáng chú ý, Hoài Đức có khoảng 6 giống bưởi: Bưởi Diễn, bưởi đường La Tinh, bưởi đường chín sớm Cát Quế, bưởi đường Quế Dương, bưởi đỏ Yên Sở, bưởi đỏ Dương Liễu...; trong đó, giống bưởi Diễn đặc sản chiếm khoảng 80% diện tích.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 3,3ha bưởi được chứng nhận hữu cơ tại xã Yên Sở và xã Cát Quế; gần 40ha được chứng nhận VietGAP, GlobalGap; 78,23ha được cấp mã số vùng trồng, trong đó có 26,32ha tại xã Cát Quế và xã Yên Sở được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, góp phần nâng cao diện tích sản xuất bưởi an toàn, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng. Huyện cũng đã chỉ đạo xây dựng vườn giống cây đầu dòng, quản lý sức khoẻ cây trồng, tạo mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, giá bán ổn định từ 30.000 đến 50.000 đồng/quả.

Đánh giá về kết quả sản xuất và tiêu thụ bưởi Hà Nội thời gian qua, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Lê Lưu Cầu cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 7.840ha trồng bưởi, hình thành và phát triển 114 vùng sản xuất bưởi tập trung, quy mô lớn, chủ yếu ở các huyện: Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì..., giá trị sản xuất năm đạt 2.299 tỷ đồng. Để nâng cao chất lượng bưởi, năm 2021-2024, trung tâm đã tổ chức hỗ trợ thâm canh bưởi hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP ở các huyện: Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ... chiếm 30% diện tích bưởi của toàn thành phố.

Nhiều vùng trồng bưởi cho giá trị kinh tế cao, đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài ra, Hà Nội đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp 1 nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và 12 nhãn hiệp thể, như: Bưởi Diễn, bưởi Chương Mỹ, bưởi Tam Vân, bưởi Thồ, bưởi sạch Sóc Sơn, bưởi Đông Cao...

Để sản xuất và tiêu thụ bưởi ổn định, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh) đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ hợp tác xã xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm bưởi vào các kênh phân phối hiện đại.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Khuất Trọng Kiên, huyện đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, hỗ trợ vật tư đầu vào sản xuất, mở rộng diện tích ứng dụng chương trình quản lý sức khoẻ cây trồng, sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản sản phẩm, giúp phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cùng với đó, liên kết các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm bưởi tại các hội chợ, hội thi. Phấn đấu xây dựng các kênh phân phối, hình thành các chuỗi cửa hàng cung ứng. Xây dựng mô hình nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội giữ ổn định diện tích bưởi khoảng 7.800ha để nâng cao chất lượng và đa dạng cơ cấu giống bưởi, như: Bưởi Thồ, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi đường Cát Quế... Mặt khác, mở rộng diện tích trồng bưởi theo hướng VietGAP, hữu cơ, minh bạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản bưởi và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho cán bộ, nông dân các vùng trồng bưởi gắn với nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững.

TIN LIÊN QUAN