Đập thủy điện Bạch Hạc Than được xây dựng ở tỉnh Tứ Xuyên, đông nam Trung Quốc, đã được đưa vào sử dụng vào ngày 1/7/2021 nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là đập thủy điện vòm lớn nhất thế giới.
Đập Bạch Hạc Than được xây dựng trên sông Kim Sa, phần thượng lưu của sông Dương Tử, với hơn 8 triệu m3 bê tông, chiều cao gần 300m, chiều dài vòng cung đỉnh đập 709m và có 6 cửa xả lũ.
Tổng kinh để xây dựng thủy điện này xấp xỉ 170 tỷ nhân dân tệ (khoảng 646.000 tỷ đồng). Dự án này dự kiến sản xuất 62 terawatt giờ điện mỗi năm, lượng điện lớn gấp 16 lần so với đập Hoover ở Mỹ, cung cấp điện cho các khu dân cư, tòa nhà cao tầng và nhà máy, thậm chí ở những vùng xa xôi như Giang Tô, cách đó hơn 2.000km về phía đông.
Đập thủy điện Bạch Hạc Than đã lập nhiều kỷ lục thế giới như: thông số địa chấn của đập vòm cao 300m đứng đầu thế giới; lần đầu tiên toàn bộ đập sử dụng bê tông xi măng ít tỏa nhiệt; đập chịu được tổng lực đẩy nước 16,5 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới (sau đập Tam Hiệp); đập vòm lớn nhất thế giới.
Đập Bạch Hạc Than được dư luận chú ý không chỉ vì quy mô lớn mà còn là về tốc độ triển khai nhanh chóng, khiến nhiều chuyên gia phải ngạc nhiên. Mặc dù Trung Quốc được biết đến là quốc gia với tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng nhưng việc hoàn thành đập Bạch Hạc Than chỉ trong vòng 4 năm là một thành tựu đáng kinh ngạc. Điều này càng thêm phần ấn tượng khi so sánh với việc xây dựng Đập Tam Hiệp, một công trình có chiều cao thấp hơn và vị trí thuận lợi hơn, nhưng phải mất tới 8 năm để hoàn thành. Mặc dù Tam Hiệp vẫn là đập thủy điện lớn nhất thế giới về công suất phát điện nhưng Bạch Hạc Than lại có cấu trúc vòm phức tạp hơn, phù hợp với địa hình núi non sâu.
Các chuyên gia xây dựng dự án Bạch Hạc Than cho biết điểm đặc biệt của dự án thủy điện này chính là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Hầu hết mọi nhân viên, từ công nhân trên công trường đến kỹ sư, giám sát chất lượng và ban quản lý cấp cao, đều được quản lý bởi một hệ thống AI thông minh hàng ngày.
Trước đây, mọi quyết định vận hành phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà quản lý dự án, nhưng ngay cả những người quản lý có kinh nghiệm và chăm chỉ nhất cũng không thể xử lý tất cả thông tin trong một ngày 24 giờ. Việc chỉ đạo hàng nghìn xe tải trên toàn bộ công trường đã là một nhiệm vụ vượt quá khả năng của những người quản lý giỏi nhất. Để giải quyết vấn đề này, AI đã sử dụng định vị qua vệ tinh và mạng 4G để hướng dẫn từng tài xế biết đi đâu và khi nào, tránh tình trạng kẹt xe hoặc tập trung quá nhiều tại một điểm.
Hệ thống liên tục điều chỉnh luồng xe bằng cách giám sát các xe trộn xi măng, hệ thống cáp, nhu cầu thực tế tại điểm đổ bê tông và điều chỉnh lại tuyến đường ngay lập tức nếu cần. Tai nạn cũng hiếm khi xảy ra, vì AI sẽ cảnh báo sớm và chuyển thông tin đến nhân viên quản lý hiện trường để xử lý kịp thời trước khi trở nên nghiêm trọng.
Các vết nứt là một trong những nguy cơ nguy hiểm nhất đối với việc xây dựng một con đập. Tuy nhiên, điều này có thể tránh được nhờ sự kiểm soát nghiêm ngặt, chính xác của trí tuệ nhân tạo (AI) trong các quy trình trộn, đổ và làm nguội bê tông.
Trong một bài báo được xuất bản vào tháng 3 trên Tạp chí Đại học Thanh Hoa, nhóm dự án do kỹ sư cấp cao Tần Yaosheng đứng đầu cho biết, AI đã “cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động và lập kỷ lục thế giới về xây dựng đập vòm”.
Dự án Bạch Hạc Than cũng gây ra không ít tranh cãi. Hơn 100.000 cư dân đã được di dời khỏi khu vực ngập nước và một số nhà bảo vệ môi trường đã lên tiếng phản đối cho rằng môi trường sống của các loài động thực vật quý hiếm sẽ bị phá hủy khi nước sẽ bắt đầu dâng lên.
Một số nhà nghiên cứu cũng lo ngại con đập sẽ gây nguy cơ tuyệt chủng cho các loài cá và các loài thủy sinh khác ở hạ lưu sông Dương Tử - con sông dài nhất châu Á.