“Vạn thế sư biểu”
Cụ Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là một nhà giáo, thầy thuốc và đại quan dưới triều đại Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông nổi bật với tính cách cương nghị, thẳng thắn và trong sạch, không ham lợi lộc. Cụ Chu Văn An là người đọc sách và học hỏi, nổi tiếng khắp nơi với học vấn uyên thâm, thu hút nhiều học trò, trong đó có những người đỗ đại khoa. Sinh thời, ông được dân chúng tôn là "Vạn thế sư biểu" nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.
Theo từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, danh nhân Chu Văn An được biết đến là một thầy giáo xuất sắc nhưng nghiêm khắc, trọng tài năng của học trò và không ưa những người dựa vào tiền bạc mà lười biếng. Trong số các học trò của ông có những nhân vật nổi bật như Phạm Sư Mạnh và Lê Quát, hai quan lớn của triều Trần, cùng với các vua Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, và Trần Duệ Tông – tất cả đều là học trò cũ của Chu Văn An.
Ngoài việc đào tạo nhiều học trò tài giỏi, Chu Văn An còn mở trường dân lập Huỳnh Cung tại quê nhà để dạy học cho nhân dân trong bối cảnh trường lớp còn thiếu thốn. Trường Huỳnh Cung, theo tác giả Trần Lê Sáng trong cuốn "Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp - ba bậc thầy của giáo dục Việt Nam," đã thu hút khoảng 3.000 học trò với lớp học và thư viện được trang bị đầy đủ.
Trong thời gian giảng dạy tại Huỳnh Cung, Chu Văn An chuyên truyền đạt kinh điển Nho giáo, với mục tiêu cao nhất là "giáo kính, giáo trung, giáo văn" – dạy sự cung kính, trung hậu và văn nhã. Học trò của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc, và trong kỳ thi năm 1314, hai học trò của ông đã đỗ Thái học sinh, tương đương với học vị tiến sĩ, gây tiếng vang lớn trong giới sĩ tử đương thời.
Danh tiếng của Chu Văn An và trường Huỳnh Cung nhanh chóng được biết đến trên toàn quốc. Vua Trần Minh Tông đã mời ông làm Tư nghiệp (hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám, nơi ông phụ trách việc học của toàn quốc. Mặc dù được phong chức Tư nghiệp, trong những năm đầu, Chu Văn An chủ yếu tập trung vào việc kèm cặp thái tử Trần Vượng, đào tạo những vua tương lai cho đất nước.
Trong sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Chu Văn An đã thực hiện nhiều cải cách tiến bộ, được ghi nhận và trân trọng cả trong thời kỳ của ông và mãi về sau. Thầy là người đầu tiên đưa đạo Nho của Khổng Tử sang Việt Nam thành một hệ thống giáo dục riêng biệt, được gọi là “Hữu giáo vô loại,” tức là nền giáo dục hướng tới mọi tầng lớp nhân dân.
10 trường học ở Hà Nội và 5 tuyến đường ở TP.HCM mang tên Chu Văn An
Để tưởng nhớ Chu Văn An, nhiều đường phố và trường học khắp cả nước được đặt theo tên ông. Ở Hà Nội, có tổng cộng 10 trường học mang tên danh nhân nổi tiếng này, bao gồm:
- Mầm non Chu Văn An (Công lập, 17-19 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ)
- Tiểu học Chu Văn An (Công lập, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai)
- Tiểu học Chu Văn An A (Công lập, 130 Thụy Khuê, quận Tây Hồ)
- Tiểu học Chu Văn An (Công lập, 260 Thụy Khuê, quận Tây Hồ)
- Tiểu học Chu Văn An (Ngoài công lập, phường La Khê, quận Hà Đông)
- THCS Chu Văn An (Công lập, Khu tái định cư Giang Biên, quận Long Biên)
- THCS Chu Văn An (Công lập, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì)
- THCS Chu Văn An (Công lập, 17 Thụy Khuê, quận Tây Hồ)
- THPT Chu Văn An (Công lập, 10 Thụy Khuê, quận Tây Hồ)
- Liên cấp Chu Văn An (Ngoài công lập, số 5 đường Kim Chung, thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh)
Bên cạnh đó, tại TP. Hồ Chí Minh, tên của danh nhân nổi tiếng này cũng được đặt cho 5 tuyến đường ở các quận 6, Tân Phú, Thủ Đức, và Bình Thạnh.