Nhiều người kỳ vọng đặc khu kinh tế mới sẽ là “chiếc đèn thần” mở ra cánh cửa phát triển nhanh chóng cho nền kinh tế nước nhà. (Ảnh: Quy hoạch dự kiến đặc khu kinh tế Vân Đồn). |
Theo Bộ Tài chính, để thực hiện 3 đề án đặc khu cần tới 1,57 triệu tỷ đồng. Đề án về đặc khu Vân Đồn cần vốn đầu tư khoảng 270.000 tỷ đồng giai đoạn 2018-2030. Phát triển đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong giai đoạn 2019-2025 cần tới 400.000 tỷ đồng. Còn Phú Quốc cần khoảng 900.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2016-2030.
Đó là những con số khổng lồ mà hiện tại nội lực chưa thể đáp ứng. Việc trông chờ vào vốn ngân sách để phát triển đặc khu cũng đã được cho là không phù hợp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã lên tiếng rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn cho các địa phương làm đặc khu, nhưng đó là “vốn mồi” để thu hút thêm nhiều nguồn lực trong và ngoài nước. Cuối cùng thì vốn đầu tư nước ngoài vẫn được xem là nguồn lực chính.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay thì tìm cho ra những nhà đầu tư đủ tầm sẽ là bài toán nan giải. Càng khó khăn hơn khi người khổng lồ Trung Quốc vẫn xem đặc khu kinh tế là liều thuốc tốt cho kinh tế của mình và việc họ chuẩn bị cho đặc khu Hải Nam không xa Vân Đồn bao nhiêu chính là điều mà nhiều bên muốn kêu gọi hay đầu tư vào đặc khu kinh tế của Việt Nam phải cân nhắc.
Không chỉ vốn, cơ chế đặc thù, mô hình tổ chức chính quyền, nhân lực và nhất là trình độ quản lý đang là những lo lắng hàng đầu cho đặc khu kinh tế thành hình và phát triển đúng hướng. Hơi khập khiễng nhưng như việc phát triển khu công nghiệp - khu chế xuất ồ ạt khoảng 15-20 năm về trước đáng là bài học khi thí điểm đặc khu kinh tế. Nếu chỉ làm theo phong trào, thành lập cho được hay chạy theo số lượng thì cực khó để thành công. Chắc chắn, đại biểu Quốc hội khi bấm nút thông qua luật trên sẽ cân nhắc nhiều chiều, vì hơn ai hết họ hiểu đặc khu kinh tế không phải là “chiếc đèn thần” để mơ về bước phát triển vượt bậc nhưng không bền vững nào đấy.
Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Trần Duy Đông khuyến cáo: “Đừng nghĩ đặc khu kinh tế sẽ lớn bổng như Thánh Gióng, cứ phải đi, phải làm thì mới biết được!”. Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là một vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên việc xây dựng một bộ luật cần hướng thận trọng, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và đừng quá cầu toàn, khi thế giới liên tục thay đổi. Khi có vấn đề mới phát sinh hoàn toàn có thể sửa chữa.
Trích những ý kiến trên không phải để khuyến khích “vừa đi vừa dò đường” hay “làm sai rồi sửa lo gì” mà để cảnh tỉnh những ai kỳ vọng đặc khu kinh tế sẽ là liều thuốc hay chiếc đũa thần kỳ, chỉ trong thời gian ngắn sẽ đem tiền về nhiều như nước hay biến những Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc thành Thâm Quyến.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cảnh báo tỷ lệ thất bại của các đặc khu trên thế giới rất lớn, nhiều hơn con số thành công. Nhiều đặc khu ở châu Phi tràn ngập phân voi nhưng vắng bóng nhà đầu tư. Ấn Độ có hàng trăm đặc khu thất bại, trong đó riêng tại bang Maharashtra đã có hơn 60 đặc khu bết bát chỉ trong vài năm. Tuy nhiên, không thể dùng những thất bại đó để tạo ra tâm lý quá e ngại cho những đặc khu ở Việt Nam. Nhưng đó sẽ là những kinh nghiệm mà chúng ta phải tham khảo rất kĩ vì mất mát sẽ không nhỏ nếu thất bại.
Những phân tích trên đã phần nào chứng minh đặc khu kinh tế không phải là “chiếc đèn thần” mà muốn phát triển nhanh, đúng hướng, thành công phụ thuộc rất lớn vào những bước chuẩn bị hôm nay. Trong đó, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ là một trong những “nền tảng” quan trọng nhất.
Dù khó hay đã nhìn rõ những thành công, thất bại từ các đặc khu ở nước ngoài nhưng người viết vẫn nghĩ như ông Trần Duy Đông: “Tất nhiên là ai cũng mong muốn thành công ngay từ đầu nhưng quan điểm của chúng tôi là không nên quá cầu toàn. Thực sự chúng ta đã đi chậm hơn các nước rất nhiều rồi, Trung Quốc giờ họ đã là phiên bản 4.0 cho đặc khu kinh tế. Nếu chúng ta không đi sẽ không bao giờ đến được đích như mong muốn”.
Phan Nguyễn