Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong bối cảnh nhu cầu nhà ở không ngừng tăng thì hàng chục nghìn căn hộ phục vụ tái định cư đã hoàn thiện tại các thành phố lớn lại đang bỏ hoang. Ghi nhận của VARS cho thấy, tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở.
Chỉ tính riêng Hà Nội và TP. HCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ và khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
Còn tại TP. HCM, theo thống kê của Sở Xây dựng, có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh.
Việc hàng chục nghìn căn hộ bỏ hoang trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý. Khảo sát của VARS cho biết trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ.
VARS cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng có các giải pháp “đánh thức” ngay hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM.
Theo VARS, cho thuê cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng bỏ hoang và sử dụng không hiệu quả các tài sản này. Tuy nhiên, Nhà nước cần có các quy định rõ ràng và đồng bộ về việc cho thuê nhà tái định cư, bao gồm mức giá thuê, thời hạn thuê, và các điều kiện thuê cụ thể, để đảm bảo quyền lợi của cả người cho thuê và người thuê.
Nhà nước cũng cần áp dụng các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho người dân khi cho thuê nhà tái định cư; như miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, và các khoản trợ cấp khác. Song song đó là cải thiện công tác quản lý và bảo trì tại các khu tái định cư này, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng, để khuyến khích người dân chuyển đến sinh sống.
Với quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận nguồn vốn và lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, để hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội như các dự án nhà ở khác để thu hút người dân đến sinh sống.
Đối với các dự án đã hoàn thiện và chưa được sử dụng, có kế hoạch đấu giá để thu hồi vốn, chính quyền cần nghiên cứu mức giá bán phù hợp hơn.
Và để không tái diễn tình trạng người dân chê nhà tái định cư, VARS cho rằng chính quyền cần một kế hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư.