Đà Nẵng có một mùa thu và ngày Quốc Khánh đầy lạc quan thắng dịch COVID-19

(CL&CS) - Ngày lễ Độc lập 2-9 và mùa thu năm 2020 ở Đà Nẵng mang nhiều ý nghĩa, trong không khí trầm lắng, giãn cách xã hội nhưng đó là những ngày mà hàng triệu người dân vẫn trông đợi và kỳ vọng vào sự thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đó là đẩy lùi đại dịch COVID-19 với tinh thần "Chống dịch như chống giặc".

 

Đà Nẵng đón Quốc Khánh năm nay không náo nhiệt như mọi năm vì lý do đặc biệt

Đà Nẵng những ngày này vẫn đang là địa phương có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất cả nước, và tất cả vẫn đang căng sức mình chống dịch. Những cụm từ như “mùa thu chống dịch”, “Tết Độc Lập trong mùa dịch”, “Quốc khánh giữa mùa dịch”… đang được nhiều người nhắc tới.

Và mùa thu của những ngày "giãn cách xã hội", "ở yên trong nhà và không ra khỏi nhà khi không cần thiết", "đeo khẩu trang", "sát khuẩn", “chung tay chống dịch”... đã được khuyến cáo trên khắp các phương tiện truyền thông trong thời gian dịch bệnh Covid-19 lần 2 này.

Những con đường của TP Đà Nẵng vắng vẻ trong mùa Quốc khánh đặc biệt

Mùa thu của những ngày giãn cách xã hội đặc biệt ở Đà Nẵng, đã giúp người cần nhìn nhận thấu đáo hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ với chính mình và cộng đồng. Những thiên thần áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch, những chuyến xe nghĩa tình, những hoạt động thiện nguyện, những người "đi từng ngõ, gõ từng nhà"... thấy ấm áp hơn, tin yêu hơn cuộc sống. Ngập tràn tình yêu thương, chia sẻ và hy vọng những ngày tới sẽ tươi sáng hơn. 

Tất cả đều mong những con số nhiễm bệnh dừng lại, không còn ai tử vong, và cuộc sống trở lại bình thường trong mùa thu xứ biển này.

Không khí chào mừng Quốc khánh vắng lặng, bởi Đà Nẵng đang thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của Thủ tướng

Nhiều người đã phải thốt lên rằng Đà Nẵng là một “thành phố kỳ lạ”, nơi có những con người nồng hậu và chân chất, thành phố rơi vào tâm điểm của dịch bệnh lần 2 vậy mà Mạnh Thường Quân còn đông hơn cả bệnh nhân. Hàng trăm tổ chức, cá nhân đều đặn và bển bỉ mỗi ngày tiếp ứng lương thực cho tuyến đầu, những siêu thị hay "chợ 0 đồng" mọc lên ở khắp nơi, những chuyến xe chở lương thực miễn phí đi lại, những cán bộ, người dân, tình nguyện viên gõ cửa từng nhà đưa nhu yếu phẩm, lương thực, dụng cụ y tế.

Người lao động nghèo, sinh viên mắc kẹt lại không lo đói vì đã có rất nhiều điểm phát lương thực thực phẩm miễn phí. Những người buôn khẩu trang thì sợ ế vì đi đâu cũng thấy những điểm phát khẩu trang miễn phí dày đặc ngoài đường. Mà lạ hơn, những người có điều kiện hơn thì nhất quyết vào các điểm bán khẩu trang để mua, nhường lại những khẩu trang y tế miễn phí cho người khó khăn hơn. Sự nhường nhìn từ cái nhỏ nhất như thế đủ thấy mọi người nghĩa tình đến nhường nào.

Những y bác sỹ giỏi nhất của cả nước tình nguyện tới Đà Nẵng tham gia chống dịch, những cán bộ y tế về hưu, những sinh viên ngành y xếp hàng vào nơi tuyến đầu để chống dịch.

Hàng ngàn suất ăn miễn phí được gửi tới tuyến đầu chống dịch mỗi ngày

Chưa hết, hơn 1 tháng Đà Nẵng trong tình trạng giãn cách xã hội cao điểm, gần như mọi hoạt động đã tạm dừng, nhưng có cả những nhóm xe luôn miễn phí, sẵn lòng đưa đón mẹ bầu đi sinh nữa. Xe bán tải, xe cá nhân từ 4 chỗ tới 7, xe kinh doanh của các công ty từ 16 đến 35 chỗ nối đuôi hàng dài sẵn sàng hỗ trợ vận chuyện, hỗ trợ từ thiện,… các đội ngũ xe liên tục gọi đến đường dây nóng xin đăng ký công tác đón đưa các Bác sĩ tăng cường cho Đà Nẵng, hay đến các bệnh viện làm nhiệm vụ dù biết tham gia là chắc chắn 14 ngày cách ly không về nhà.

Đội ngũ công an, bộ đội, y bác sĩ luôn chiến đấu với 200% sức lực của mình. Và mỗi người dân, bằng tấm lòng của mình cũng tiếp sức cho những người ở tuyến đầu hết mình từ cơm ngon đến nước mát.

Nhưng nhân viên y tế căng sức mình chống dịch nhiều ngày qua

Quả thực, trong cuộc chiến này, không một ai bị bỏ lại phía sau. Cả nước hướng về Đà Nẵng, từ những vùng phên dậu của đất nước, tới những thành thị và nông thôn quyên góp, ủng hộ, cổ vũ và sẻ chia với Đà Nẵng. Có những chú bé người Cadong ở Quảng Nam vác những cây măng rừng dài hơn người góp tặng cho Đà Nẵng, có những người âm thầm quyên góp hàng chục tấn gạo, thuê xe chở ra tận Đà Nẵng, những người nước ngoài ở Đà Nẵng cũng lập những hội nhóm để cùng người dân địa phương làm thiện nguyện chống dịch, có những khách du lịch bị kẹt lại đã cùng tổ chức bếp ăn cao cấp 5 sao, mỗi ngày nấu hàng ngàn suất ăn gửi tới các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch…

Trên báo chí, trên mạng xã hội, trên những kênh youtobe cá nhân,… khi Đà Nẵng có thời điểm như đang lâm nguy trong dịch bệnh, thì mới thật sự biết đâu là tình người, tình anh em, nghĩa đồng bào, tấm lòng tương trợ của cả nước.  Và dù ở vào giai đoạn dịch bênh cao điểm nhất, Đà Nẵng phải thực hiện giãn cách xã hội một cách triệt để nhất, nhưng khoảng cách từ trái tim đến trái tim của đồng bào, của con dân đất Việt lại ngày càng gần hơn bao giờ hết.

Đà Nẵng vốn là thành phố du lịch, nhưng khi dịch bệnh tái bùng phát lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo kịp thời

Dù có những sự hoang mang, lo lắng nhất định khi liên tiếp có những ca bệnh, những thông tin ca bệnh tử vong. Nhưng tâm thế của những người ở giữa vùng tâm dịch vẫn là sự tin tưởng. Nhiều người đã tự nhủ rằng, lo thì lo thật đấy, nhưng cũng đừng vì thế mà quên mất rằng trước đây chính chúng ta cũng đã là một người hùng chống dịch. Người dân tự giác, một cá nhân làm tốt sẽ có nhiều cá nhân làm tốt sẽ hình thành một xã hội tốt.

Người dân Đà Nẵng vẫn đang sống chung với dịch bệnh

Đà Nẵng đã và đang làm tất cả để chiến thắng dịch bệnh. Là thành phố du lịch, Đà Nẵng chấp nhận những rủi ro để trở lại bình thường, những rủi ro đó có thể từ trên trời rơi xuống. Nhưng Đà Nẵng vẫn đang làm mọi thứ để hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch.

Đà Nẵng những ngày cách ly, vẫn có những người lặng lẽ làm việc

Và rồi, công tác điều trị đã có kết quả tốt với nhiều hơn những ca được xuất viện trong ngày. Có những ca bệnh nặng nay đã có tiến triển tốt. Phân tích về tình hình dịch tễ, việc truy vết các ca bệnh đã cho thấy diện các ca trong cộng đồng đã có sự thu hẹp dần; vùng dịch cũng đã được khoanh vùng. Hàng chục ngàn người đã được xét nghiệm miễn phí. Trong công tác xét nghiệm đã nâng cao năng lực, đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm, giúp công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng. Đặc biệt, công tác điều trị đã có nhiều sáng tạo chuyên môn, giành giật sự sống cho các bệnh nhân nặng, giúp cho các bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Các biện pháp quản lý nghiêm ngặt cũng đã giúp việc kiểm soát khống chế dịch bệnh hiệu quả hơn.

Đó là những tín hiệu lạc quan cho thấy những bước đi và các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch thời gian qua là đúng hướng, hiệu quả. Nhiều bài học được rút ra trong giai đoạn đầu này chính là sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Sự chủ động trách nhiệm, vận dụng theo phương châm “4 tại chỗ”, huy động nhiều nguồn nhân lực vật lực thực hiện quyết liệt nhanh chóng các biện pháp chính là “chìa khóa” của các cấp, các ngành trong công tác này.

Mùa thu Đà Nẵng năm nay là một mùa thu đặc biệt, ở đó có cuộc chiến với dịch bệnh không ai mong muốn. Và những khẩu hiệu với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “chống dịch như chống lụt”, toàn thành phố vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về cách ly xã hội; các địa phương vẫn phải duy trì cường độ làm việc, chủ động, quyết liệt tập trung chỉ đạo công tác chống dịch. Và tất cả, đều hy vọng sớm nhất Đà Nẵng sẽ toàn thắng dịch bệnh, để mùa thu đặc biệt này thêm phần ý nghĩa hơn.

Tiêu Dao - Nguyễn Quang

Nên đọc