Đà Nẵng cấm tàu thuyền ra khơi, chủ động đối phó siêu bão Rai

(CL&CS) - Siêu bão Rai giật cấp 17 đang tiến vào Biển Đông, Đà Nẵng cấm tàu thuyền ra khơi.

Sắp xếp tàu thuyền tránh trú bão, neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu đã được quy hoạch. Ảnh: Thế Sơn

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng đã ban hành công điện triển khai ứng phó với bão Rai và không khí lạnh.

Công điện yêu cầu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú an toàn, khẩn trương vào bờ. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. 

Đặc biệt, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tiếp tục kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; chủ trì, tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch, bảo đảm phòng, chống Covid-19; phối hợp Công an thành phố kiểm tra, sẵn sàng phương án phòng, chống cháy nổ và tổ chức tìm kiếm cứu nạn trong âu thuyền Thọ Quang và các khu vực neo đậu.

Lực lượng chức năng tuần tra nhắc nhở tàu thyền vào nơi tránh bão an toàn. Ảnh: Thế Sơn

UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt, bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19 theo sổ tay hướng dẫn phòng, chống thiên tai trong bối cảnh Covid-19; sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất.

Các địa phương rà soát các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê, khu vực đồi núi huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu.

Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”; chỉ đạo công tác triển khai sản suất vụ đông xuân và có kế hoạch xuống giống hợp lý, tránh thiệt hại trôi giống, ngập úng do ảnh hưởng của mưa bão.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng đô thị, khơi thông cống rãnh thoát nước.

Sở Y tế hướng dẫn các địa phương việc bảo đảm phòng, chống dịch tại các điểm sơ tán và xử lý những trường hợp nghi ngờ, dương tính với SARS-CoV-2; phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, UBND quận Sơn Trà, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang và các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19 đối với các thuyền viên tàu cá vào tránh trú bão trên địa bàn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ sáng nay (17/12), vị trí tâm bão ở khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, ngay trên miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185 km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, cường độ suy yếu dần và đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9.

Đến 1 giờ ngày 18/12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,9 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 8,5 đến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền các tỉnh ven biển trong đó có Đà Nẵng.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng đánh giá đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp.

TIN LIÊN QUAN