Cứu doanh nghiệp bằng “tiền tươi thóc thật”

(CL&CS) - Ông Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh cho rằng, cần có gói kích thích tiền tươi thóc thật để hỗ trợ doanh nghiệp và phương án giãn, hoãn nợ lâu dài cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội

TS Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn. Cụ thể, giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường là điều khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện tại; siết chặt đi lại của người lao động, sản xuất không diễn ra bình thường được. Tiếp đến, là chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nếu doanh nghiệp có hợp đồng cũng không thể vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu được. Cùng với đó, là cố gắng duy trì sản xuất dẫn đến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất lớn, đặc biệt chi phí ''3 tại chỗ''. Điều này dẫn đến hàng hóa sản xuất bị ùn ứ và nếu có sản xuất cũng không bán được hàng.

Cũng theo ông Lộc thì hiện doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, mất khả năng thanh toán. 9 tháng đầu năm, có 85.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng đến 90.000 doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường - đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn hơn số doanh nghiệp mới thành lập.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng cũng bị mất hợp đồng vì đối tác đã chuyển đến các nước xung quanh phục hồi nhanh hơn.

“Đó là đơn hàng, hợp đồng chuẩn bị phục vụ cho dịp Noel và đầu năm mới 2022 do chúng ta phục hồi chậm hơn, mở cửa chậm hơn so với các nước khác. Nói cách khác, chúng ta đang bị lỡ nhịp so với các nước xung quanh, trong đó có cả các đối tác chiến lược và các nước cạnh tranh thị trường. Theo nhận định của tôi, các doanh nghiệp Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội”, ông Lộc khẳng định.

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, sau giãn cách thì chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào các đơn hàng, hợp đồng Xuân Hè 2022. Bởi, chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại vào quý 1/2022, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Một điều đáng quan tâm là hiện nay, rất nhiều lao động ở phía Nam trở về quê, dẫn đến sự thiếu hụt lao động cục bộ của các doanh nghiệp sản xuất phía Nam. Đặc biệt là khó khăn về lao động trong khu vực dịch vụ đang bị đứt gãy. Về các doanh nghiệp phía Bắc, nhiều doanh nghiệp đang cũng đang thiếu hụt lao động.

“Tuy nhiên, theo tôi đây cũng là cơ hội để một lượng lớn người lao động “ly nông bất ly hương”, là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu lao động” – ông Lộc chia sẻ thêm.

Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn có đơn hàng nhưng cũng bị mất hợp đồng vì đối tác đã chuyển tới các nước xung quanh phục hồi nhanh hơn. (Ảnh: minh họa)

Doanh nghiệp nên tìm cách phục hồi nhanh

Đưa ra giải pháp “cứu” cho doanh nghiệp, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, bây giờ chúng ta đang bắt đầu mở cửa trở lại, doanh nghiệp phải có kế hoạch để phục hồi nhanh, tìm thị trường và nguồn lao động.

Thứ hai, doanh nghiệp cần xây dựng gói tài chính, trong đó xây dựng kế hoạch tài chính tổng thể, kế hoạch về thuế, nợ và phải gửi các cơ quan chức năng xem xét.

Hiện nay, rất nhiều nước áp dụng cơ chế xoá nợ, không đòi được thì phải xoá nợ. Cái gì do khách quan thì xoá bỏ. Thứ ba, phải có gói kích thích tiền tươi thóc thật hỗ trợ doanh nghiệp, phải có phương án giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp chứ không chỉ đến 30/6/2022.

Chia sẻ về các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Theo tôi, Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ doanh nghiệp".

Thứ nhất là “trợ thở”, thực chất là mở cửa một cách kiên định, mở cửa một cách nhanh chóng. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế.

Theo ông Lộc thì kịch bản này cần sớm được hoàn thành và ban hành, sớm ngày nào tốt cho doanh nghiệp, cho các địa phương, cho người dân ngày đó.

Thứ hai là “tiếp máu”, đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới.

Đơn cử như thuế giá trị gia tăng cần mở rộng thêm đối tượng, hay các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ để tạo sức mạnh cộng hưởng về giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn.

Đặc biệt, bây giờ yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, nhưng trên thực tế các ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh, nên khó có thể đảm đương với nhiệm vụ hạ lãi suất như hiện nay trong tình cảnh các ngân hàng cũng gặp khó khăn về năng lực tài chính. Do đó, theo tôi, Chính phủ cần có thêm quỹ hỗ trợ hạ lãi suất hay bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng.

Thứ ba là “thúc đẩy” doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực của doanh nghiệp bằng các khóa đào tạo, tập huấn.

Thứ tư là cải cách “thể chế”, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực Asean. Vì vậy, nếu không nhanh chóng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh thì không thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và vực dậy nền kinh tế.

Thứ năm là “tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.

Về phía bản thân doanh nghiệp, ông Lộc cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực của mình. Muốn nâng cao hiệu quả, khả năng chống chịu với mọi nghịch cảnh thì cần phải chuyển đổi số. Cách mạng 4.0 chỉ là công cụ, cần có thêm các công nghệ khác cộng hưởng số hóa. Tiếp đến là xanh hóa, xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường. Và yếu tố nữa là xã hội hóa doanh nghiệp. Đây là định hướng chiến lược mà doanh  nghiệp cần tính đến.

“Theo tôi, giá trị của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là đánh giá về tài sản mà cần được đánh giá bằng đóng góp cho xã hội. Đó là mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp”, ông Lộc cho biết thêm.

TIN LIÊN QUAN