Đường ven biển đoạn Cát Tiến - Mỹ Thành (Bình Định) có tổng vốn 1.967 tỷ đồng, dài 40km. Cung đường mới khánh thành với mục đích giúp đi lại thuận lợi, phát triển quỹ đất và du lịch của tỉnh Bình Định. Hình ảnh cung đường hiện đại với vẻ đẹp thơ mộng, kỳ vĩ “xuyên núi, vượt cát” là địa điểm mà du khách không thể bỏ qua nếu đến mảnh đất nơi đây.
Dự án đường ven biển ĐT 639 tại Bình Định dài 107km là một trong những tuyến đường biển quốc gia với tổng vốn 9.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Cát Tiến - Mỹ Thành được Thủ tướng cắt băng khánh thành đầu năm nay, gồm 2 đoạn: Cát Tiến - Đề Gi và Đề Gi - Mỹ Thành có tổng vốn đầu tư lên đến 1.967 tỷ đồng.
Tuyến đường này chạy song song với tuyến quốc lộ 1, có điểm đầu kết nối với đường ven biển tỉnh Quảng Ngãi, tại ranh giới giữa tỉnh Quảng Ngãi với phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), điểm cuối kết nối với đường ven biển tỉnh Phú Yên tại ranh giới giữa phường Ghềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) với tỉnh Phú Yên.
Đây được đánh giá là cung đường ven biển tuyệt đẹp với địa hình “xuyên núi vượt cát”. Không chỉ gây ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên, cung đường này cũng có nhiều địa điểm lịch sử hay check in để du khách có thể tham quan và trải nghiệm.
Điểm đầu đường ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, nối với trục đường của khu kinh tế Nhơn Hội.
Đoạn qua đèo Tân Thanh thuộc xã Cát Hải, huyện Phù Cát. Trên cung đường này có đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19.
Khi qua xã Cát Hải, đường vượt đèo Tam Thanh. Tại đây, tỉnh Bình Định đang khởi công dự án khu du lịch sinh thái.
Ngoài đèo Tân Thanh (xã Cát Hải), đường còn chạy xuyên đèo Chánh Oai (xã Cát Hải) và đèo Vĩnh Hội (giữa xã Cát Hải và xã Cát Tiến). Trong quá trình thi công nhà thầu phải hạ độ cao các đoạn đồi núi, có nơi cao đến 50-60m. Do hai bên đường là vách đá núi, một số đoạn đơn vị thi công phải dùng lưới, đinh... để rào chắn, đảm bảo an toàn.
Qua đèo Tân Thanh ra phía bắc, đường xuyên qua những đồi cát rộng mênh mông. Đây có thể sẽ trở thành địa điểm check in được nhiều yêu thích.
Cầu Đề Gi bắc qua cửa biển nối xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) với xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) là điểm nhấn trên tuyến đường và cũng là điểm đầu của đoạn Đề Gi - Mỹ Thành. Cầu có chiều dài khoảng 400m; bề rộng toàn cầu 17,5m; tổng mức đầu tư trên 352 tỷ đồng, giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa hai xã hơn 30 phút so với trước đây. Cầu có 8 nhịp, trong đó có 5 nhịp dẫn SuperT được đúc bằng kỹ thuật dự ứng lực dài 197 m và ba nhịp đúc hẫng dài 200 m.
Điểm cuối của đường tại xã Mỹ Thành. Nơi này có một số doanh nghiệp nuôi tôm ở phía đông đường, sát bờ biển.
Tuyến đường xuyên núi này đi qua nhiều khu du lịch nổi tiếng ở huyện Phù Cát, Bình Định. Du khách có thể tham quan, thả hồn vào thiên nhiên tại khu dã ngoại Trung Lương, chùa Ông Núi, tắm suối khoáng nóng và không thể thiếu làng biển Vĩnh Hội.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Bình Định, cho biết tỉnh huy động nhiều nguồn lực xây dựng và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông kết nối các vùng trong tỉnh. Đặc biệt, các tuyến đường ven biển sẽ tạo cú hích cho ngành du lịch và dịch vụ.