Tháng 4/2021, tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ Travel + Leisure đã công bố 10 tuyến đường đẹp nhất thế giới theo phân tích của Pentagon Motor Group (PMG) từ các dữ liệu hashtag trên Instagram. Có chiều dài 20km với 2.686 ảnh/km, đèo Hải Vân xếp ở vị trí thứ 4 trong danh sách 10 cung đường mê hoặc những tay lái xe yêu chụp ảnh nhất thế giới.
Theo khảo sát của PMG, đèo Hải Vân trở thành một trong những cung đường được du khách chụp hình nhiều nhất trên Instagram với hơn 52.000 bức ảnh check-in tại đây. Miêu tả về đèo Hải Vân, Travel + Leisure viết rằng: “Đèo Hải Vân, có nghĩa là “đèo trong biển mây” từng được Jeremy Clarkson – MC chương trình truyền hình thực tế Top Gear (Anh) nhận xét là “một trong những cung đường ven biển đẹp nhất thế giới”. Tuy nhiên, khi điều kiện thời tiết có nhiều sương mù, du khách tới đây cần lưu ý giảm tốc độ”.
Đèo Hải Vân được bình chọn là một trong những tuyến đường đẹp nhất thế giới theo phân tích của Pentagon Motor Group.
Cung đường đèo đẹp và hiểm trở nhất Việt Nam
Đèo Hải Vân (còn gọi là đèo Mây vì quanh năm đỉnh đèo có mây che phủ) là con đèo chạy trên dãy núi Bạch Mã (nhánh của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển). Nơi đây nổi tiếng là đường đèo đẹp nhất và hiểm trở nhất Việt Nam.
Đèo chạy quanh co cắt ngang dãy núi, có độ dài 20km, cao trung bình 500m so với mực nước biển, là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Từ trên cao có thể nhìn về thành phố Đà Nẵng rất rõ nét.
Theo sử sách, trước năm 1306, vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về hai châu Ô, Rí của Vương quốc Chăm Pa. Năm 1306, vua Chăm Pa là Chế Mân cắt hai châu này làm ranh giới giữa Đại Việt và Chăm Pa.
Khoảng một thế kỷ sau, dưới thời Hồ, năm 1402 đèo Hải Vân trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã chép: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc tầng mây, là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam”.
Đèo chạy trên dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, hiểm trở.
Tới năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chăm Pa. Khi tới đèo Hải Vân, ông ấn tượng và xúc động trước cảnh quan hùng vĩ, đã cảm tác làm thơ và đặt tên nơi này là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Vào thời Nguyễn, Hải Vân là ranh giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Con đường đèo trên núi cực kỳ hiểm trở, nguy hiểm khó đi, nhiều thú dữ và có kẻ cướp. Trong nhiều thế kỷ, rất ít người dám qua lại và Hải Vân là trở ngại trong việc giao thương, giao lưu văn hóa.
Năm 1902, thực dân Pháp xây dựng đường sắt qua đèo Hải Vân, tới năm 1906 thì thông tuyến và nằm trong hệ thống đường sắt quốc gia khởi công từ năm 1881. Đây thực sự là một kỳ tích bởi địa thế vô cùng hiểm trở. Đường sắt Hải Vân đi quanh co trên sườn núi, phải qua 6 hầm chui và 18 cây cầu. Tàu đi trên đèo một bên là vách núi, một bên là vực sâu và biển cả.
Một đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân.
Đi tàu hỏa qua đây là một trải nghiệm khó quên với bất cứ ai bởi có thể ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp của con đường đèo. Hình ảnh lãng mạn của đoàn tàu hỏa vượt Hải Vân đã trở thành cảm hứng để nhiều nhạc sĩ sáng tác ra các ca khúc bất hủ, trong đó có "Tàu anh qua núi" của Phan Lạc Hoa.
Những khúc cua tử thần thách thức mọi tay lái
Cung đường chinh phục đèo Hải Vân không hề dễ dàng với những đoạn đường uốn lượn, khúc khuỷu men theo triền núi.
Từ Ðà Nẵng, theo Quốc lộ số 1, vượt sông Nam Ô, kề với một làng trùng tên vốn nổi tiếng khắp đất nước là nơi sản xuất ra loại nước mắm ngon nổi tiếng. Bắt đầu từ đây, con đường dốc dần lên như sợi chỉ trắng quấn trên triền núi xanh lục, cho tới khi lên đến đỉnh sẽ thấy toàn cảnh vịnh và thành phố bên dưới hiện ra đột ngột, đẹp đến sững sờ. Xa xa, dải cát trắng phau của bãi biển Non Nước trải rộng tới tận chân trời, vượt ra tận những tảng đá chênh vênh của Ngũ Hành Sơn.
Đèo Hải Vân có nhiều đoạn đường uốn lượn, khúc khuỷu men theo triền núi.
Vượt đèo Hải Vân là cuộc phiêu lưu để trải nghiệm cùng mây gió, ngắm vẻ đẹp của núi non trùng điệp hùng vĩ, biển rộng bao la muôn màu sắc từ xanh ngọc lam, ngọc bích cho tới xanh dương, xanh thẫm… xanh thẳm đến muôn trùng. Những cung đường như dải lụa mềm mại, trải dài trên ngọn đèo, lúc thẳng lúc vặt vẹo, uyển chuyển.
Lên đỉnh đèo, du khách có thể đắm mình trong bức tranh muôn sắc của thiên nhiên. Màu xanh của núi rừng hòa quyện cùng màu trắng của mây mờ ảo, hút tầm mắt người chinh phục ngọn đèo hiểm trở này.
Từ trên độ cao 496m, ngọn đèo của những đám mây đại dương này đem lại cho ta những phong cảnh đầy ấn tượng về dải bờ biển kéo dài của Việt Nam. Trên đỉnh đèo có miếu nhỏ thờ thần núi được hình tượng hoá bằng bức tượng một con hổ - vị chúa tể sơn lâm, trong khi có một số miếu nhỏ nằm dọc đường để tưởng nhớ những người gặp nạn.
Rong rêu đã mọc đầy trên chiếc lô cốt - được gọi là Ðồn Nhất - do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1826 để bảo vệ con đèo chiến lược này. Nó bền bỉ bám trên sườn núi hàng chục năm nay và từ đây có thể kiểm soát được suốt dọc con đèo từ cả hai phía. Ðồn Nhất đã chứng kiến biết bao cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam trong suốt thời kì đấu tranh chống thực dân Pháp đô hộ. Sau đó lô cốt này được chuyển sang tay quân Mỹ và quân đội nhân dân Việt Nam đã có lần sử dụng thành lũy này để nã pháo vào Ðà Nẵng.
Hàng năm, đèo Hải Vân vẫn thu hút lượng lớn khách du lịch tới tham quan.
Nếu ai đã từng có dịp ra Bắc, vào Nam đi qua con đèo Hải Vân hùng vĩ chắc hẳn sẽ đều phải nghiêng mình trước vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng của con đèo con tên gọi “Thiên hạ đệ nhất đèo” này. Bởi vượt qua những khúc cua “tử thần” lên đỉnh đèo, du khách sẽ có dịp khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của núi non mờ ảo trong mây, thành phố biển Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế trong sương sớm.
Theo thống kê của ngành du lịch, khi chưa có đại dịch Covid-19 xuất hiện, vào các năm 2018, 2019 mỗi năm có từ 1,6-1,8 triệu lượt khách đến thăm đèo Hải Vân.