Căn cứ khoản 3 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 28 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13), người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:
(i) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.
(ii) Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
Việc công ty nợ tiền BHXH, BHYT gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động là trách nhiệm của công ty. Công ty phải hoàn trả toàn bộ chi phí mà người lao động đã chi trả trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
Vì vậy, người lao động không thể tự tham gia BHYT theo diện hộ gia đình khi công ty đang nợ tiền BHXH, BHYT. Người lao động có hợp đồng lao động với công ty vẫn thuộc đối tượng đóng BHYT theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, do cả người lao động và người sử dụng lao động đóng.