Công ty CP Thiên Dược Sơn bị xử phạt vì quảng cáo lừa dối người tiêu dùng

(CL&CS) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Thiên Dược Sơn do vi phạm quy định quảng cáo.

Sản phẩm TPBVSK Lavenda Plus gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Thiên Dược Sơn (địa chỉ tại số 7 Ngách 88, ngõ 151B Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội).

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm xác định Công ty CP Thiên Dược Sơn đã có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lavenda plus gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Với hành vi trên, Công ty CP Thiên Dược Sơn bị phạt 50 triệu đồng. 

Cùng với hình thức phạt tiền, Công ty CP Thiên Dược Sơn tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo vi phạm.

Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Được biết, sản phẩm Lavenda Plus là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chỉ có tác dụng hỗ trợ bổ huyết, điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ giảm huyết trắng, khí hư,... Theo nội dung xác nhận quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, sản phẩm LAVENDA không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, cảnh báo không sử dụng cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm.

Trước đó ngày 22/12/2021, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi cảnh báo về thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lavenda Plus vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Công ty cổ phần Thiên Dược Sơn- đơn vị phân phối độc quyền bộ sản phẩm LAVENDA có địa chỉ tại số 7 Ngách 88, ngõ 151B Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, Công ty hoạt động từ năm 2019, mã số doanh nghiệp: 0108573599 do ông Nguyễn Thừa Thành làm đại diện pháp luật.

Vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ ban ngành khác về việc tăng cường quản lý, xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo TPBVSK.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu cần có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, twitter,… các nền tảng quảng cáo trên google ads như: Youtube, coccoc, chrome... và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo. Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

TIN LIÊN QUAN