Hơn 700 năm về trước, Đức vua Trần Nhân Tông đã xả hoàng bào, khoác áo cà sa về Yên Tử xuất gia tu hành, sáng lập nên Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và Yên Tử trở thành kinh đô của Phật giáo Việt Nam. Hàng năm, khu di tích Yên Tử có hàng triệu tín đồ Phật tử và du khách trong, ngoài nước về tham quan, lễ Phật.
Yên Tử cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn của Phật giáo Việt Nam. Chính vì vậy, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh quyết định đầu tư xây dựng Cung Trúc Lâm Yên Tử. Công trình này được lên ý tưởng qua một hành trình nghiên cứu, tìm kiếm tâm huyết và công phu trong hơn 10 năm, xây dựng trong 2 năm và đã hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2018.
Cung Trúc Lâm là công trình đồ sộ nhất trong tổng thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.
Theo đó, Cung Trúc Lâm (thuộc danh thắng Yến Tử) có vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 200 tỷ (từ nguồn công đức và xã hội hóa) được đi vào hoạt động tháng 12/2018, đúng dịp đại lễ tưởng niệm 710 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Hiện, phần nội thất của Cung Trúc Lâm, với tổng vốn đầu tư cũng khá lớn, đang được khẩn trương hoàn thiện để chính thức khánh thành vào ngày 20/10/2023.
Cung Trúc Lâm là công trình đồ sộ nhất trong tổng thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, với tổng diện tích xây dựng giai đoạn 1 hơn 6.000m2. Công trình được xây dựng bằng chất liệu bê tông kiên cố, kiến trúc hoành tráng mang bản sắc văn hóa dân tộc, hài hòa với quần thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm và lễ hội Yên Tử. Công trình có sức chứa từ 5.000 - 7.000 người, là nơi tôn vinh giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, là nơi tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và các hoạt động văn hóa Phật giáo.
Đại lễ tưởng niệm 711 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn được tổ chức tại Cung Trúc Lâm.
Về công năng sử dụng của công trình trị giá trị hơn 200 tỷ đồng này, thượng tọa Thích Thanh Quyết - phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói "sẽ cơ động" nhưng được xây dựng với ý nghĩa là cung của Phật hoàng.
Giai đoạn 2 của công trình sẽ có thêm một điện thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, tạo thêm các vườn thiền xung quanh, dự tính xây dựng bức phù điêu về giai đoạn lịch sử ấn tượng nhất của nước Việt khi Phật hoàng xuất hiện. Bức phù điêu này dự tính được đặt ở Cung chính.
Cung Trúc Lâm và cả Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, trong đó có khu resort nổi tiếng Legacy dưới chân núi Yên Tử, đều do kiến trúc sư lừng danh Bill Bensley thiết kế.
Kiến trúc chủ đạo của tất cả các công trình nằm trong Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử là kiến trúc tháp Tổ: Cổng/cửa vòm, tường dày, mái ngắn lợp ngói mũi sen được vuốt lên cao ở hai bên và các đường phào chỉ dọc theo diềm mái… Tất cả đã tái hiện một không gian văn hóa lịch sử cổ xưa gợi nhớ về thời Đại Việt, cách nay hơn 700 năm, mang phong cách thiền thời Trần, thế kỷ 13 cũng là bản sắc riêng của Yên Tử.
Tháp Tổ, nằm trong khu vườn tháp Huệ Quang, là di tích gốc duy nhất còn lại của Yên Tử, với phần đế tháp còn nguyên vẹn kể từ khi được vua Trần Anh Tông xây dựng vào năm 1309 - một năm sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - và phần thân tháp được trùng tu vào thời Lê, thế kỷ 17.
Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử là một vùng đệm, làm nền, bổ sung, tôn vinh, tăng thêm giá trị cho vùng lõi di tích và di sản tâm linh ở trên núi Yên Tử, gắn chặt thêm đạo và đời, hòa quyện cảnh và người, kết nối xưa và nay. Câu slogan được nhà văn Hoàng Quốc Hải (tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử “Bão táp triều Trần”) chọn chữ là “Hồn Việt, nét Trần và tinh thần Thiền Trúc Lâm” đã thể hiện được đúng bản sắc của quần thể này. Đó cũng chính là thông điệp, hồn cốt của quần thể được các kiến trúc sư, các nghệ sĩ gửi gắm vào công trình.