Công trình đồ sộ 4.500m2 từng đẹp nhất Á Đông được người Việt tự thiết kế, chi phí xây dựng lên đến 150.000 lượng vàng

Dinh Độc Lập từng là công thự đẹp nhất Á Ðông - nơi ở của những người quyền lực nhất và cũng là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử.

Đã qua 47 năm kể từ ngày được đặc cách công nhận Di tích lịch sử - văn hóa; 33 năm mở cửa phục vụ nhu cầu tham quan và 14 năm được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, Dinh Thống Nhất là điểm đến hấp dẫn, mỗi ngày thu hút hàng ngàn du khách…

Dinh Norodom - Công thự đẹp nhất Á Ðông một thời

Ban đầu, dinh được đặt tên Norodom - cùng tên với đại lộ phía trước chạy thẳng vào Dinh, nay là đường Lê Duẩn. Công trình xây dựng dinh mang tên Quốc vương Campuchia bấy giờ (Vua Norodom 1834-1904) do Sở Công chánh Sài Gòn đảm trách với chi phí bằng 4.714.662 Francs, tương đương 1/4 ngân sách thuộc địa.

Dinh toàn quyền vào khoảng năm 1875, khi mới được xây. Ảnh tư liệu.

Viên đá đầu tiên ghi dấu mốc này được lấy từ Biên Hòa. Đó là khối đá có hình vuông rộng mỗi cạnh 50cm, có lỗ bên trong chứa những đồng tiền hiện hành bấy giờ bằng vàng, bạc, đồng có chạm hình Napoléon đệ tam. Phần lớn vật tư xây dựng, họa tiết trang trí, điêu khắc đều mang từ Pháp sang.

Dinh được coi là một công thự đẹp nhất ở Á Ðông. Mặt tiền rộng 80 m, phòng khách có thể chứa đến 800 người. Chung quanh là khu vườn rộng lớn trồng đủ loại cây cỏ. Trước mặt dinh, dưới chân cột cờ đặt một khẩu thần công kiểu cổ càng làm tăng thêm vẻ đẹp oai nghiêm cho công thự.

Từ khi xây xong cho đến 1887, dinh được dành cho Thống đốc Nam kỳ ở (Gouverneur de la Cochinchine) nên còn gọi là Dinh Thống đốc. Từ 1887 đến 1945, nhiều đời toàn quyền Pháp đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Dinh Norodom trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng chỉ sáu tháng sau, Nhật thất bại trong Thế chiến II, Pháp trở lại chiếm Nam bộ, Dinh Norodom trở lại thành trụ sở làm việc của Pháp ở Việt Nam.

Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Nước ta bị chia cắt thành 2 quốc gia, miền Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, miền Nam là Quốc Gia Việt Nam (sau thành Việt Nam Cộng Hòa). Ngày 7/9/1954 Dinh Norodom được bàn giao giữa đại diện Pháp - tướng Paul Ely và đại diện Quốc gia Việt Nam - Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và lên làm Tổng thống. Dinh Norodom đổi tên thành Dinh Độc Lập. Theo thuật phong thủy, dinh được đặt ở vị trí đầu rồng, nên dinh cũng còn được gọi là Phủ đầu rồng.

Ngày 27/2/1962, toàn bộ phần chính cánh trái của dinh bị bom làm sập. Do không thể khôi phục, Tổng thống Ngô Ðình Diệm đã cho san bằng và xây dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ - người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã.

Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập: Công trình đồ sộ do người Việt tự thiết kế

Trong cuốn sách "Sài Gòn 1698-1998 kiến trúc và quy hoạch" xuất bản nhân dịp Sài Gòn 300 tuổi, các nhà kiến trúc Pháp nghiên cứu về các công trình kiến trúc Sài Gòn đã nhận xét về Dinh Độc Lập như sau:

“... Trên nền cũ của Dinh Norodom còn gọi là Dinh Toàn quyền, KTS Ngô Viết Thụ cùng đồng sự đã đưa một kiến trúc hiện đại kết hợp với bố cục truyền thống tạo nên một công trình hoành tráng, hài hòa với không gian cây xanh, làm điểm kết lý tưởng của trục đường Lê Duẩn.

Khởi công từ năm 1962, hoàn thành năm 1966, kiến trúc mang dấu ấn lịch sử này đã tạo được nét biểu trưng cho một phong cách mới ở Sài Gòn trên nền kiến trúc mới: hành lang, tường hoa, không gian thoáng đãng, đường nét thanh thoát..."

Dinh Độc Lập nhìn từ trên cao. Ảnh: Dinh Độc Lập.

Là người khởi xướng xây dựng Dinh Ðộc Lập nhưng ông Ngô Đình Diệm không được sống ở đây ngày nào, mà người có thời gian sống lâu nhất là Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (từ tháng 10/1967 đến 21/4/1975). Cũng từ ngày khánh thành, Dinh Độc Lập trở thành nơi ở và làm việc của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

Dinh rộng 4.500 m2, diện tích sử dụng 20.000 m2, gồm 3 tầng chính, sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng. Hơn 100 căn phòng của dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng bao gồm các phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng nội các, phòng làm việc của Tổng thống và của Phó tổng thống, phòng trình ủy nhiệm thư, phòng đại yến...

Dinh cao 26 m, tọa lạc trong khuôn viên rợp bóng cây. Giữa những năm 1960, đây là công trình có quy mô lớn nhất miền Nam và có chi phí xây dựng cao nhất (150.000 lượng vàng). Tầng hầm chịu được oanh kích của bom lớn và pháo. Mặt tiền dinh được trang trí cách điệu các đốt mành trúc phỏng theo phong cách các bức mành của các ngôi nhà Việt và họa tiết các ngôi chùa cổ tại Việt Nam. Các phòng được trang trí nhiều tác phẩm non sông cẩm tú, tranh sơn mài, tranh sơn dầu.

Dinh Độc Lập hiện nay. Ảnh: VnTrip.

Khi thiết kế, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ phương Đông và cá tính của dân tộc, kết hợp hài hoà với nghệ thuật kiến trúc hiện đại.

Toàn thể bình diện của dinh làm thành hình chữ "Cát", có nghĩa là tốt lành, may mắn. Vẻ đẹp kiến trúc của dinh còn được thể hiện bởi bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao xung quanh tầng 2. Trong dinh, tất cả các đường nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng.

Đến nay, đây vẫn là công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc, khẳng định sự tài hoa, khéo léo của kiến trúc sư cũng như những người thợ xây dựng.

Dinh Độc Lập cũng là công trình mang tính biểu tượng và gắn với nhiều dấu ấn lịch sử. Ngày 30/4/1975, dinh là nơi chuyển giao quyền lực của chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho chính quyền cách mạng, kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm. Tháng 11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc cũng diễn ra tại đây.