Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng về mặt nhân cách nhất bởi chúng đang ở trong giai đoạn phát triển nhân cách. Và những người có ảnh hưởng lớn nhất trong việc định hình và phát triển nhân cách của trẻ không ai khác chính là cha mẹ. Tốt hay xấu thì cách chúng ta đối xử với con ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của trẻ khi lớn lên.
Cha mẹ nào cũng luôn làm mọi điều tốt nhất có thể cho con, với những kỹ năng, kinh nghiệm chúng ta có được tại thời điểm đó. Tuy nhiên, xã hội ngày một phát triển, cách nuôi dạy con cái cũng có những thay đổi nhất định cho phù hợp với tâm lý, tính cách của các con.
Nhiều cha mẹ thắc mắc tại sao con tự cao, ảo tưởng, chỉ biết đến mình, quá yêu bản thân và chẳng cần quan tâm gì đến những thứ diễn ra xung quanh nó. Rất có thể là cha mẹ đang mắc các lỗi nuôi dạy con này.
1. Chỉ cho phép con thành công, không có thất bại
Trong trường hợp này, trẻ lớn lên trong một gia đình đề cao sự cạnh tranh và chỉ coi trọng thành tích. Khẩu hiệu của gia đình là không quan tâm nếu con không phải người giỏi nhất.
Tình yêu cũng có điều kiện: khi con giành giải nhất trong một cuộc đua, đạt điểm cao, đạt giải nhất trong các cuộc thi… con sẽ nhận được vô số những lời khen ngợi và sự quan tâm chú ý. Nhưng nếu con không đạt được những điều đó, con là một sự thất vọng đối với gia đình.
Những đứa trẻ trong những gia đình kiểu này thường cảm thấy không được yêu thương thường xuyên.
2. Cha mẹ chê bai, hạ thấp con
Những bậc cha mẹ dễ nổi nóng, tức giận và đặt ra những kỳ vọng cao một cách vô lý cho con là điều khó chấp nhận. Và khi con không thể đáp ứng được những kỳ vọng đó, họ sẽ chê bai con. Nếu có hai con thì những bậc phụ huynh này thường sẽ ca ngợi tâng bốc một đứa và hạ thấp đứa còn lại.
Những đứa trẻ trong những gia đình như vậy thường cảm thấy bị xúc phạm và tự ti. Vì thế, sau này khi lớn lên, chúng lại trở thành những đứa trẻ ái kỷ, luôn cố gắng thu hút sự chú ý và chứng minh với bản thân chúng, với thế giới và với cha mẹ của chúng rằng chúng là nhất, là đặc biệt và bố mẹ đã sai.
3. Cha mẹ quá nuông chiều con
Nhiều cha mẹ luôn khoe khoang và ca ngợi, tâng bốc trên mây về đứa con tài năng và thông minh của họ, thậm chí nhiều lúc đến mức độ lố bịch. Họ khen ngợi con cho tất cả những gì con làm.
Khen ngợi con trẻ là một hành động có lợi khi trẻ làm tốt, tuy nhiên, khen ngợi và đề cao trẻ quá mức cần thiết, sẽ chỉ khiến cho đứa trẻ có những tư duy nhận thức lệch lạc trong tương lai.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ bị ảo tưởng về khả năng, về chính bản thân mình. Dần dần chúng sẽ trở nên quá tự hào và yêu bản thân, chỉ biết đến bản thân mình, từ đó dẫn đến rất nhiều hậu quả trong tương lai, có thể kể đến như các vấn đề về tâm lý, về các mối quan hệ cá nhân, thậm chí là sa vào các tệ nạn xã hội.