Cô sinh viên xứ Quảng và ước mơ trồng rau sạch kết hợp du lịch

(NTD) - Sinh ra và lớn lên tại Đại Lộc, Quảng Nam, từ lâu trong tâm trí cô gái nhỏ nhắn Lê Thị Ánh Tuyết (20 tuổi, sinh viên năm 3, Trường Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình TP.HCM) đã in hằn nếp sống chất phác của một “dân quê” chính hiệu. Vùng đất quê hương nghèo, nơi người nông dân quanh năm suốt tháng chỉ trông chờ vào hai vụ lúa, một vụ ngô, trong khi giá bán lại hết sức bấp bênh, “mưa nắng” thất thường. Chính vì thế, ước mơ đưa nông sản quê hương “tự tin bước ra” thị trường rộng hơn, bền vững hơn, đã dần được nhen nhóm trong tâm trí cô gái xứ Quảng.

Tại Trà Quế, tất cả các loại rau quả đều được trồng, chăm sóc 100% hữu cơ.

Để thực hiện điều này, ngay từ nhỏ Ánh Tuyết đã không ngừng nỗ lực. Đến năm nhất đại học, cô bắt đầu thực hiện ước mơ. Và giờ đây, khi là sinh viên năm 3, cô gái quê ngày nào đang tràn đầy niềm tin vào mô hình “Trồng rau sạch kết hợp du lịch” của mình.

Quyết tâm thực hiện ước mơ

Năm 2017, Ánh Tuyết đưa mô hình “Trồng rau sạch kết hợp du lịch” tham dự cuộc thi Tôi khởi nghiệp và đã xuất sắc giành ngôi vị á quân. Cô sinh viên năm 3 chia sẻ: “Tham gia cuộc thi, tôi được học hỏi kinh nghiệm từ những startup đã thành công cũng như bạn bè cùng mục tiêu. Hơn thế, đây còn là cơ hội để tôi giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước về làng rau sạch Trà Quế - thương hiệu rau sạch của tỉnh Quảng Nam!”

Đầu năm 2018, chúng tôi có dịp về thăm làng rau sạch Trà Quế, nơi cô “nông dân” Ánh Tuyết đang ươm mầm ước mơ của mình. Đến đây, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi mắt thấy, tai nghe người nông dân kể về quy trình sản xuất rau sạch. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng để chống chọi sâu bọ, bệnh hại người nông dân nơi đây đã dùng một loại thuốc tự chế bởi tỏi, ớt, gừng… Đặc biệt, làng rau còn có một bí quyết giúp thân rau láng bóng dù đã thu hái hàng giờ đồng hồ. Đó là, dùng cây rong dưới sông và vỏ đậu phộng nghiền nát tưới lên cây. Như vậy mới thấy, muốn cho ra những sản phẩm sạch đúng nghĩa không đơn giản chỉ là trồng, để rau lớn tự nhiên mà không cần sự chăm bón công phu.

Chưa hết bất ngờ này chúng tôi lại gặp những bất ngờ khác, khi biết rằng: Làng rau Trà Quế truyền thống thực ra được gọi để chỉ một khu vực có nhiều hộ trồng rau quanh năm. Và hiện tại, cô sinh viên năm 3, với nhiệt huyết của mình đã thuyết phục được tất cả những người trồng rau tại đây không còn canh tác nhỏ lẻ, “nhà nào thích trồng gì thì trồng” và canh tác kiểu cũ như trước…

“Con bé có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm. Lúc đầu, đến thuyết phục chúng tôi trồng rau an toàn theo quy mô lớn và “vẽ vời” về tương lai và hướng đi sau này cho làng rau Trà Quế, tôi đã không tin. Thế nhưng, con bé đến nhiều lần, kiên trì gõ cửa từng nhà và sự nhiệt huyết ấy đã khiến tôi cảm động. Từ đó, vợ chồng tôi quyết định đứng ra vận động bà con cùng chung tay xây dựng hướng đi mới cho làng rau” - chú Hùng, một lão nông trồng rau, nhớ lại.

Giờ đây, bằng tâm huyết và sự nhiệt tình, cô sinh viên xứ Quảng đã vận động được hơn 200 hộ dân (với tổng diện tích 20 ha) trong làng đồng hành cùng mình thực hiện “cuộc cách mạng” trồng rau sạch.

Một góc làng rau sạch Trà Quế.
 

Sản phẩm rau sạch - du lịch

Sau thành công bước đầu với thương hiệu rau sạch Trà Quế, cô sinh viên năm 3 quyết định tạo một bước ngoặt: Phát triển du lịch tại làng rau!

Để làm được điều này, Ánh Tuyết đã phải đi đây, đi đó học hỏi kinh nghiệm từ các bậc “tiền bối”. Song ngặt nỗi, các mô hình trồng rau sạch kết hợp du lịch ở Quảng Nam gần như rất hiếm. Cô quyết định tìm đến Đà Lạt, nơi được mệnh danh là xứ sở của rau, hoa. Tại đây, Ánh Tuyết tình cờ gặp một người bạn cùng chung chí hướng và cả hai lập ra thương hiệu Tuyet’s Farm. Với kinh nghiệm, kiến thức đã được đào tạo bài bản từ một trường đại học ở Isael, người bạn này đã trợ giúp cô gái trẻ rất nhiều.

Kết quả là, sau một thời gian hai người quyết định mở thêm một trang trại ở Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) và đã tiến những bước dài trên con đường đưa thương hiệu rau sạch kết hợp du lịch đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Theo Ánh Tuyết, mô hình trồng rau sạch kết hợp du lịch ở nước ngoài đã có rất nhiều. Thế nhưng, khá lạ lùng là một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam lại thật sự hiếm thấy. “Đây là một điều làm tôi thất vọng. Tuy nhiên, chính nó cũng là động lực để tôi phấn đấu xây dựng mô hình. Bởi, người tiêu dùng đang rất cần thực phẩm sạch và cũng có nhu cầu tham quan du lịch nên thị trường rất lớn. Cá nhân tôi cho rằng, trong tương lai, khi đời sống của người Việt được nâng cao thì thực phẩm sạch và du lịch chính là cái họ hướng đến để bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống” - cô gái nhỏ nhắn nói.

Để phát triển mô hình trồng rau sạch kết hợp du lịch, Ánh Tuyết và các cộng sự đã tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn, thu hút sự chú ý của các tổ chức xã hội cũng như công ty lữ hành tại một số tỉnh, thành. Cô đã mạnh dạn liên kết với nhiều địa phương tổ chức giới thiệu sản phẩm cho du khách, “kéo” họ đến trang trại và làng rau để trải nghiệm, tham quan.

Giờ đây, đến với làng rau sạch Trà Quế, khách tham quan có thể được thả mình vào hương vị đồng quê thơm mùi cỏ tại nông trại mà không mất bất kỳ khoản phí nào. Nơi này còn có hẳn một khu đất dành riêng cho những du khách muốn tự tay trồng rau, chăm sóc… để ngắm nhìn chúng lớn lên mỗi ngày.

Chưa hết, Ánh Tuyết cũng cùng với các “bô lão” xây dựng một khu chế biến các món ăn từ rau xanh ngay trong nông trại. Và nhờ thế, du khách sẽ được tự mình chế biến, trang trí các món ăn theo sở thích. Còn nếu muốn được thưởng thức các món nhưng không phải mất công chế biến thì chính những người nông dân sẽ xắn tay vào bếp, tạo ra những món ăn hấp dẫn, có hương vị gần gũi, đồng quê.

Theo Ánh Tuyết: “Ngoài những biện pháp thu hút khách tham quan, chúng tôi còn xây dựng các chuỗi liên kết với các trường đại học lớn và kết nối với các công ty du lịch lữ hành, cũng như đang từng bước hoàn thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng để nâng cao chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng mô hình “Cà phê - rau sạch”. Hy vọng đây sẽ là bước triển đúng đắn trong năm 2018”.

Văn Nguyễn

 
Nên đọc