24/12 tiếp tục là ngày “đáng quên” của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đầu phiên, VN-Index tăng nhẹ, tăng 4,93 điểm, tương đương 0,46% lên 1.083,83 điểm. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, VN-Index đảo chiều đi xuống, có thời điểm VN-Index mất hơn 21 điểm. Chốt phiên giao dịch ngày Giáng sinh, VN-Index giảm 11,38 điểm, tương đương 1,05% xuống 1.067,04 điểm.
Thanh khoản tiếp tục đứng ở mức rất cao. Chỉ riêng sàn TP.HCM đã có tới 14.181 tỷ đồng được giao dịch thành công. Trên sàn Hà Nội, con số này là 1.432 tỷ đồng.
Nhưng điểm nhấn của thị trường lại không nằm ở thanh khoản hay điểm số. Điều nhà đầu tư nhắc tới nhiều về phiên 24/12 chính là… sự cố lỗi giao dịch. Nhà đầu tư đổ quá nhiều tiền vào giao dịch khiến hệ thống quá tải. Nhiều nhà đầu tư không thể khớp lệnh khiến thanh khoản phiên chiều ở mức rất thấp.
Hiện tượng quá tải diễn ra trong vài phiên gần đây khi thanh khoản liên tục phá đỉnh lịch sử. Mới đây, ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cho biết, có nghe nhiều về việc công ty chứng khoán sử dụng phần mềm giao dịch bằng robot, làm số lượng lệnh tăng đột biến.
Tình trạng này khiến nhà đầu tư thiệt hại khi không giao dịch thành công. Thiệt hại càng lớn với các “tân binh”. Trong ngày 24/12, thị trường chứng khoán đón nhận thêm một gương mặt mới của ngành ngân hàng. Đó là cổ phiếu PGB.
Ngày 24/12/2020, cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) chính thức niêm yết trên UpCOM. Với biên độ +/- 40%, nếu tăng trần, thị giá PGB sẽ lên 21.700 đồng/CP, nếu giảm sàn, cổ phiếu sẽ xuống 9.300 đồng/CP.
Sự cố sàn giao dịch điện tử ảnh hưởng không nhỏ tới “màn trình diễn” của PGB. Tính chung cả phiên, chỉ có hơn nửa triệu cổ phiếu PGB được chuyển nhượng thành công. Con số này khiêm tốn hơn rất nhiều so với tổng lượng cổ phiếu lưu hành của PGB.
Giao dịch ảm đạm nên cổ phiếu PGB không duy trì được đà hưng phấn. Đầu phiên, PGB tăng trần, tăng hết biên độ lên 21.700 đồng/CP. Tuy nhiên, tới cuối phiên, PGB chỉ tăng 500 đồng/CP lên 16.000 đồng/CP.
Trong quý 3/2020, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của PG Bank đạt 603 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đạt 1.766 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế quý 3 chỉ là 16,93 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 105,3 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 3/2020, tổng tài sản PG Bank tăng từ 31.574 tỷ đồng lên 34.396 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kinh doanh chính đều tăng trưởng dương. Chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 24.673 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 23.442 tỷ đồng hồi đầu năm. Chỉ tiêu tiền gửi của khách hàng tăng từ 25.388 tỷ đồng lên 27.913 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 3, nợ xấu tại PG Bank là 714,9 tỷ đồng, tương đương 2,87% tổng dư nợ tín dụng. Các con số này hồi đầu năm lần lượt là 748,6 tỷ đồng và 3,2%. Có thể thấy, nợ xấu tại PG Bank đang giảm cả về con số tuyệt đối lẫn tương đối.
Trong buổi lễ khai trương giao dịch cổ phiếu PGB tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị PG Bank cho biết năm 2021, PG Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với năm 2020.
Ông Định cho biết thêm, thời gian tới, PG Bank hướng tới chuyển đổi từ ngân hàng với nguồn thu từ lãi chiếm tỷ trọng chính khoảng hơn 70% sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ. Ngân hàng cũng sẽ quyết liệt trong việc chỉ đạo các giải pháp xử lý nợ xấu, duy trì chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu phấn đấu dưới 3% trong những năm tới.