Mới đây, công ty chứng khoán SSI nhận định cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường và giúp VN-Index bay cao. Dự báo đó đã đúng khi trong nhiều phiên gần đây, cổ phiếu ngân hàng thay nhau tăng trần.
Đóng cửa phiên giao dịch 22/12, cổ phiếu EIB của Eximbank tăng trần, tăng 1.300 đồng/CP lên 19.650 đồng/CP. Như vậy, EIB đã có chuỗi 3 phiên tăng trần liên tiếp. Đà tăng hứa hẹn vẫn còn kéo dài khi mà dư mua trần EIB lên đến gần nửa triệu đơn vị.
Trước EIB, trong phiên 18/12, VPB của Ngân hàng VPBank chốt phiên trong sắc tím khi tăng 2.050 đồng/CP lên 31.650 đồng/CP. Trong phiên 21/12, EIB tăng trần, tăng 1.700 đồng/CP lên 26.600 đồng/CP.
Trong khi đó, KLB của KienlongBank gây ấn tượng không kém khi tăng trần trong phiên 18/12. Sau đó, chốt phiên 22/12, KLB một lần nữa đóng cửa trong sắc tím sau khi tăng 2.500 đồng/CP lên 19.800 đồng/CP.
Có thể thấy, cổ phiếu ngân hàng đang “dậy sóng”, đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Trong năm 2021, vai trò của cổ phiếu ngân hàng vẫn được công ty chứng khoán Vndirect đánh giá cao.
Công ty chứng khoán Vndirect phân tích tín dụng toàn ngành ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong tám năm qua. Vào cuối Q3/2020, tín dụng ngành chỉ tăng 6,08% so với đầu năm, dù gần gấp đôi mức 3,65% vào cuối Q2/2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức 9,4% trong 9 tháng năm 2019.
Trong khi làn sóng Covid-19 là nguyên nhân khiến cho việc tăng trưởng tín dụng giảm thì Chính phủ Việt Nam chủ động trong việc kiểm soát sự lây lan trong cộng đồng và gia tăng kích thích tài khóa, đồng thời cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng đã giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Kết quả là, tín dụng toàn ngành chỉ tăng 1,31% trong ba tháng đầu năm, đến cuối Q2/2020 đã cải thiện lên 3,65% và đạt 6,08% so với đầu năm. Tính đến ngày 17/11/2020, tín dụng toàn ngành đã đạt 7,26%, tiệm cận với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 8-10%.
Đại dịch toàn cầu đã gián đoạn hoạt động kinh doanh (HĐKD), dẫn đến doanh nghiệp giảm nhu cầu tín dụng. Do Covid-19, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới và áp dụng các lệnh giãn cách xã hội, làm ảnh hưởng đến HĐKD và thu nhập của người dân, do đó làm giảm nhu cầu của người dân trong tiêu dùng và du lịch.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, hai lĩnh vực đóng góp chính trong GDP là công nghiệp và dịch vụ - chiếm 30,1% và 38,4% GDP của Việt Nam, ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 2,69% và 1,37% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong một thập kỷ. Tương quan, tổng tín dụng của lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm 79% tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 10,3% so với cùng kỳ (+ 6,2% từ đầu năm đến nay) vào cuối Q3/2020, so với 14,9% (+ 10,4% từ đầu năm đến nay) vào cuối Q3/2019.
Hiệu quả và kịp thời trong việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch và giải ngân đầu tư công của Chính phủ cũng như thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN đã kích thích nhu cầu tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong 9 tháng năm 2020.
Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát thành công ngăn ngừa sự lây nhiễm trong cộng đồng của Covid-19, tạo môi trường cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất, đồng thời thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả giúp tạo việc làm cho cả doanh nghiệp và cá nhân. Các chính sách được đưa ra đã gián tiếp giúp cải thiện nhu cầu tín dụng.
Thông tư 01 của NHNN hướng dẫn các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại các khoản cho vay với thời hạn lên đến 12 tháng và xem xét miễn/giảm việc thanh toán lãi vay cho khách hàng, giúp giảm áp lực chi phí dự phòng của ngân hàng và chi phí lãi vay của khách hàng.
Ngoài ra, việc NHNN ba lần cắt giảm lãi suất điều hành vào tháng 3, tháng 5 và tháng 9 năm 2020 đã làm giảm chi phí vốn của các ngân hàng tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ đó khuyến khích các doanh nghiệp vay mới để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng của 2 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là BIDV (Không xếp hạng, BID) và Vietinbank (Không xếp hạng, CTG) tiếp tục ở mức thấp, mặc dù chiếm 24,2% tín dụng toàn hệ thống, nhưng chỉ tăng lần lượt là 2,5% và 2,4% trong 9 tháng đầu năm 2020 (so với mức tăng 8,6% và 3,9% cùng kỳ năm trước); các ngân hàng niêm yết khác ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng tín dụng toàn hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2020.