Cổ phiếu LIC trở thành một trong những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên thị trường chứng khoán nhưng số người giàu lên nhờ cổ phiếu này là rất ít vì chỉ có 2.739.700 cổ phiếu được sang tay từ đầu năm đến nay nhưng tập trung chủ yếu trong tháng 11 với 2.156.800 cổ phiếu khi cơn sốt lên đỉnh điểm.
Từ đầu năm đến 26/11, hàng loạt cổ phiếu tăng giá hơn 1.000% có thể kể đến TGG (tăng 2.486%), LIC (1.918%), SDA (1.408%) và APS (1.087%). Trong đó nổi bật hơn cả là LIC vì đây là cổ phiếu của Tổng công ty Licogi - CTCP có vốn của Nhà nước.
Ngoài cơn sóng cổ phiếu bất động sản, một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu LIC tăng giá mạnh trong năm là: Vốn hóa thấp so với tài sản đất đai đang sở hữu, nắm giữ 25,94% vốn điều lệ của Licogi 14 với mã cổ phiếu L14 có thị giá cao nhất sàn chứng khoán, cổ phiếu sẵn sàng giao dịch ít và Nhà nước thoái vốn.
Vốn hóa thấp so với tài sản đất đai đang sở hữu
Đóng cửa ngày 26/11, cổ phiếu LIC đạt 111.000 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, vốn hóa của Licogi đạt 9.990 tỷ đồng, tăng 1.918% so với mức 495 tỷ đồng của đầu năm nay.
Vào thời điểm đầu năm nay, LIC có giá 5.500 đồng/cổ phiếu, vốn hóa công ty đạt 495 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến cổ phiếu LIC ở mức giá thấp bắt nguồn từ kết quả kinh doanh yếu kém. Mặc dù Licogi có nhiều tiềm năng phát triển nhưng thường xuyên báo lỗ lớn. Từ năm 2016-2020, Licogi có 3 năm phải chịu cảnh thua lỗ như 2016 lỗ 414 tỷ đồng, 2017 lỗ 66 tỷ đồng và 2019 lỗ 69 tỷ đồng. Còn 2 năm 2018 và 2020 báo lãi nhưng cũng chỉ lần lượt 30 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2020, Licogi có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, lỗ lũy kế 602 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 404 tỷ đồng tương đương giá trị sổ sách đạt 4.494 đồng/cổ phiếu. Chưa dừng ở đó, Công ty TNHH Kiểm toán Quốc tế (ICPA) đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ về: Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, các khoản công nợ phải thu và dự phòng phải thu khó đòi, hàng tồn kho, các khoản công nợ phải trả. Ngoài ra, ICPA còn lưu ý đến nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền 1.394 tỷ đồng.
Thế nhưng, Licogi sở hữu quỹ đất cực kỳ giá trị có thể lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, gấp nhiều lần vốn hóa công ty tại thời điểm đầu năm nay.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2021, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn trị giá 1.172 tỷ đồng tại dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Q. Hoàng Mai, Hà Nội). Dự án Thịnh Liệt có quy mô 351.422 m2, tương đương 35,1ha với quy mô dân số 9.000 người. Dự án cung cấp biệt thự, nhà vườn, nhà ở cao tầng, công trình hỗn hợp, công trình công cộng, công trình công cộng đơn vị ở, thương mại dịch vụ, câu lạc bộ, đoàn thể, trụ sở hành chính, trường học, đường giao thông, bãi đỗ xe, cây xanh. Hiện tại, đất xung quanh dự án Thịnh Liệt được rao bán trên 100 triệu đồng/m2 thì đây là nguồn thu trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng cho Licogi trong tương lai.
Dự án này được UBND TP. Hà Nội ra quyết định cấp phép đầu tư xây dựng vào 17/9/2007 cho Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng. Sau đó được chuyển giao lần lượt cho Licogi và Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi (100% vốn của Licogi).
Trong quá trình thi công, dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương công tác đầu tư và phê duyệt tiến độ thực hiện dự án làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ quý 1/2017 đến quý 4/2019, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và một số cụm công trình nhà ở xã hội. Giai đoạn 2, từ quý 1/2020 đến quý 4/2021, đầu tư xây dựng và kinh doanh các hạng mục còn lại.
Tuy nhiên, hiện nay dự án đang trong quá trình triển khai giai đoạn 1, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đợt 1 là 298.505 m2. Diện tích đang tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng đợt 2 là 53.113 m2 bao gồm diện tích khu làng xóm cũ và nghĩa trang làng Giáp Tứ, giữ lại chỉnh trang theo quy hoạch là 20.083m2.
Bên cạnh dự án Thịnh Liệt có quỹ đất lớn thì Licogi còn đầu tư vào dự án xây dựng công trình trụ sở Licogi (lô đất 07-E7 Phạm Hùng, khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng; dự án xây dựng tòa nhà Licogi (nhà G1 - 491 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Sở hữu 25,94% vốn điều lệ của Licogi 14
Cổ phiếu L14 của CTCP Licogi 14 là một trong những cổ phiếu hot nhất sàn chứng khoán trong nhiều năm vừa qua khi từng tăng giá 440% từ đầu năm cho đến thời điểm hiện nay và có chuỗi tăng giá kỷ lục 699 lần trong 10 năm vừa qua. L14 đang là quán quân cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán với 286.700 đồng/cổ phiếu.
Vốn hóa của Licogi 14 đạt 7.693 tỷ đồng. Với tỷ lệ sở hữu 25,94%, danh mục đầu tư tại Licogi 14 của Licogi trị giá 1.375 tỷ đồng.
Cổ phiếu sẵn sàng giao dịch ít
Licogi có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, tương ứng 90 triệu cổ phiếu nhưng cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Công ty có 3 cổ đông lớn sở hữu 94,95% vốn điều lệ tương đương 88.153.579 cổ phiếu, gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - Công ty TNHH (SCIC) sở hữu 40,71%, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông (một công ty có liên quan đến Phó Chủ tịch HĐQT Phan Thanh Hải và dự án Thịnh Liệt) sở hữu 35% và Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường sở hữu 19,24%.
Các cổ đông nội bộ và cổ đông khác chỉ sở hữu 5,05% vốn điều lệ của Licogi, tương đương 4.546.421 cổ phiếu. Điều này khiến cổ phiếu LIC rơi vào trạng thái cạn cung và gần như không có giao dịch trong một thời gian dài như năm 2020 chỉ có 4.700 cổ phiếu được sang tay.
Trong tháng 10 và 11/2021, hàng loạt cổ đông nội bộ đã đăng ký bán cổ phiếu LIC và giao dịch thành công. Tổng khối lượng đăng ký bán là 589.869 cổ phiếu từ ủy viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc đến Kế toán trưởng và những người liên quan. Một nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm nhận định: Có thể đây là hành động đăng ký bán cổ phiếu ở giá thấp và chính họ dùng những tài khoản chứng khoán vệ tinh để mua vào, kéo cổ phiếu lên cao rồi thực hiện chốt lời, có thể là ngay đỉnh. Hành động bán cổ phiếu sớm ở mức giá thấp của cổ đông nội bộ sẽ không bị cộng đồng nhà đầu tư lên án.
Nhà nước thoái vốn
Licogi đang nằm trong danh sách thoái vốn năm 2021 của SCIC. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể phải đến năm 2022 mới hoàn thành.
Cổ phiếu LIC gây thú vị đối với không ít nhà đầu tư lẫn SCIC. Nhà đầu tư muốn cổ phiếu tiếp tục lên cao để kiếm lợi nhuận tối ưu nhưng lên cao vượt tiềm năng của Licogi thì việc thoái vốn Nhà nước theo giá thị trường trở thành bài toán hóc búa, nan giải.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Licogi đạt 1.364 tỷ đồng doanh thu, giảm 3,7% so cùng kỳ năm trước và 13 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ, tăng 41,6%. Tuy nhiên, đến 30/9/2021, Licogi vẫn còn lũy kế 547 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 453 tỷ đồng, tương đương giá trị sổ sách 5.033 đồng/cổ phiếu.