Cổ phiếu HUT tăng giá hơn 10 lần bất chấp công ty thua lỗ 6 quý liên tiếp

(CL&CS) - CTCP Tasco ghi nhận thua lỗ 6 quý liên tiếp với tổng giá trị 378 tỷ đồng nhưng trong khoảng thời gian đó, cổ phiếu HUT tăng giá 10,75 lần.

Năm nay, Tasco lên kế hoạch lỗ 100 tỷ đồng do lỗ dự án thu phí không dừng VETC

Tasco vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021. Theo đó, công ty ghi nhận 162 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so cùng kỳ năm trước và lỗ 64 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Tasco đạt 626 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so cùng năm trước và lỗ 134 tỷ đồng.

Như vậy, Tasco đã có 6 quý liên tiếp thua lỗ từ quý 2/2020 đến nay với tổng giá trị 378 tỷ đồng. Thế nhưng việc thua lỗ này không khiến cổ phiếu HUT của Tasco giảm giá. Ngày 1/4/2020, cổ phiếu HUT chỉ có 1.200 đồng/cổ phiếu, đến 5/11 đã tăng giá lên 12.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 975% hay 10,75 lần. Vì sao có hiện tượng này?

Trước khi giảm giá về 1.200 đồng/cổ phiếu, HUT từng có giá cao nhất 15.900 đồng/cổ phiếu. Áp áp lực thoái vốn của các nhà tư ngoại với tỷ lệ sở hữu lớn khiến HUT tuột dốc không phanh. Khối nhà đầu tư nước ngoài từng nắm giữ 32,3% vốn điều lệ của công ty trong đó có nhiều quỹ nổi tiếng như: VOF Investment Ltd từng sở hữu ở mức cao nhất 16,03% (38.542.134 cổ phiếu), Pyn Elite từng sở hữu 11,38% (30.572.213 cổ phiếu)… Nhưng hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn sở hữu 2,8%.

Tiền thân của Tasco là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1971 với tên gọi Đội cầu Nam Hà và đổi thành CTCP Xây dựng Giao thông và Cơ sở hạ tầng Nam Định vào năm 2000 khi cổ phần hóa. Năm 2007, công ty đổi tên mới là Tasco cho đến nay.

Hiện nay, Tasco là một ông lớn trong lĩnh vực BOT ở phía Bắc với nhiều dự án quan trọng như: nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 Quảng Bình (BOT Quảng Bình), đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn từ Phủ Lý - thị trấn Mỹ Lộc (BT 21), nâng cấp, mở rộng quốc lộ 10 đoạn từ Quán Toan đến Cầu Nghìn Hải Phòng (BOT Hải Phòng), BT 39 và BOT 39 (Thái Bình), BOT 10, BOT 21, BOT Đông Hưng, BOT quốc lộ 32 Phú Thọ. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh chỉ là niềm đau của công ty khi liên tục báo lỗ của dự án thu phí tự động không dừng BOO1.

Tuy vậy, lợi thế của Tasco các dự án đổi hạ tầng lấy quỹ đất. Hiện nay, nhà đầu tư đang kỳ vọng vào dự án khu đô thị Foresa Mỹ Đình (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Dự án đã được phê duyệt 1/500 và UBND TP. Hà Nội chấp thuận làm chủ đầu tư dự án. Hiện, dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng cũng như hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư.

Dự án 48 Trần Dung Hưng (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cao 25 tầng với diện tích 2.800 m2. Dự án này đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng cũng như hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư.

Dự án tòa nhà văn phòng Tasco (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cao 25 tầng với diện tích 2.800 m2. Hiện công ty đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý với cơ quan Nhà nước để triển khai thực hiện đầu tư.

Như vậy, 2/3 dự án trên đều đang nằm ở khâu chuẩn bị giải phóng mặt bằng nên trong báo cáo tài chính ở các khoản mục xây dựng cơ bản dở dang dự án bất động sản chỉ vỏn vẹn 91 tỷ đồng, hàng tồn kho bất động sản chỉ 32 tỷ đồng. Những dự án này còn nằm trên giấy khiến kỳ vọng của nhà đầu tư khá rủi ro nhưng có thể mang lại tỷ suất sinh lợi cực kỳ cao nếu dự án được hình thành và tiến độ hoàn thành đúng kế hoạch.

Đóng cửa ngày 5/11, cổ phiếu HUT đạt 12.900 đồng/cổ phiếu, tăng 207% từ đầu năm đến nay và 975% từ đáy 1/4/2020. Ở mức giá hiện tại, vốn hóa công ty đạt 3.465 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN