Cùng với đó, trong Tuyên bố chung Việt Nam và Trung Quốc ngày 13/12/2023 nhân chuyến thăm cũng cho biết: “Hai bên nhất trí, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại song phương. Phía Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm”. Đây chính là cánh cửa rộng mở đối với hàng nông sản Việt Nam để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Đến nay, Việt Nam đã có 16 loại nông sản đã được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Nhiều loại nông sản đã có sự tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh khi chính thức được nhập khẩu chính ngạch. Mới đây nhất là trái cây sầu riêng, được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này năm 2022 khiến kim ngạch xuất khẩu của trái cây này năm 2023 có thể vượt 2,3 tỷ USD, tăng trên 500% so với năm trước.
Nhìn thẳng thực tế, nông sản Việt Nam đang ngày càng có cơ hội rộng mở ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tận dụng cơ hội như thế nào phụ thuộc vào chính chúng ta. Quan trọng nhất là nông sản của Việt Nam đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường này. Đây là câu chuyện đã bàn lâu nay nhưng chưa từng là câu chuyện cũ của lĩnh vực nông sản. Bên cạnh việc đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, truy suất nguồn gốc, quy trình đóng gói bảo quản, ngành nông nghiệp cần đảm bảo quy hoạch vùng trồng, tránh việc mở rộng vùng trồng tự phát vừa phá vỡ quy hoạch vừa tiềm ẩn nguy cơ suy giảm chất lượng. Đặc biệt, việc áp dụng các tiêu chí xanh, giảm phát thải nông nghiệp đang là yêu cầu và xu thế của nông nghiệp hiện đại cần sớm được đẩy mạnh. Nông nghiệp- một trụ cột của nền kinh tế sẽ càng vững vàng hơn khi tận dụng các cơ hội lớn từ thị trường hơn tỷ dân nhiều tiềm năng.