Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Quyết định số 1097/QĐ-NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022. Theo đó, một nội dung nổi bật được Ngân hàng Nhà nước định hướng là phát triển kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt từ 65-70%.
Ngoài ra, NHNN cũng đặt ra mục tiêu về phát triển Chính phủ số như: Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của NHNN đáp ứng yêu cầu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 100%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% (đối với thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận một cửa của NHNN); tỷ lệ báo cáo định kỳ của NHNN được thực hiện trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ đơn vị thuộc NHNN cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục đạt 50%
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:
Một là, về hoàn thiện thể thế: Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; rà soát, cập nhật Kiến trúc Chính phru điện tử phiên bản 2.0 của NHNN phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 được ban hành tại Quyết định số 2323/QĐ-BTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
Hai là, về phát triển chính phủ số: Thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trong đó chú trọng rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thời gian, phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tổ chức kết nối, tích hợp để cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đáp ứng yêu cầu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia;
Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thực hiện thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành và xử lý công việc trên môi trường mạng;
Ba là, về thanh toán số: Thúc đẩy thanh toán số. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy triển khai thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy nhanh quá trình phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn, tạo nền móng phát triển giao dịch trực tuyến và kinh tế số;
Bốn là, về phát triển, sử dụng nền tảng số: Xây dựng và ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số theo Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; xây dựng và ban hành Kế hoạch sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây; thực hiện việc chuyển đổi IPv6…;
Năm là, phát triển dữ liệu số: Rà soát, công bố danh mục dữ liệu mở, dữ liệu chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định; đăng ký dịch vụ chia sẻ dữ liệu với Bộ Thông tin và Truyền thông;
Công bố công khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung để hệ thống hóa tài nguyên dữ liệu, tăng cường quản trị, nâng cao chất lượng dữ liệu và thúc đẩy chia sẻ dữ liệu. Công bố công khai danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu; chỉ định cán bộ làm đầu mối phụ trách kết nối và chia sẻ dữ liệu;
Công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, tên và vị trí, chức năng cán bộ đầu mối phụ trách; Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa NHNN với các cơ quan nhà nước khác thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia;
Bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được thực hiện thông suốt, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủ đúng quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP; Tiếp tục hoàn thiện Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp của NHNN…;
Sáu là, về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng: Tổ chức triển khai đầy đủ 4 giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng; tổ chức phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ phù hợp với quy định của pháp luật và tiêu chuẩn quốc gia về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ các hệ thống thông tin đang vận hành;
Phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị hạ tầng, các điều kiện đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng để kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…;
Bảy là, về nhân lực số, kỹ năng số, công dân số và văn hóa số: Xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, trong đó bao gồm các nội dung về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo hướng dẫn tại Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại văn bản số 489/BTTTT-THH ngày 17/02/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tám là, về doanh nghiệp số: Xây dựng và ban hành Chương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đối số doanh nghiệp và Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của ngành Ngân hàng để triển khai Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số...