Chuyển đổi số: Động lực phát triển du lịch bền vững

(CL&CS) - Tiếp nối sự thành công của Chuyên đề I: Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả. Ngày 18/5 Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh - Chuyên đề II: Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững do Tạp chí DĐDN tổ chức.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết:   ngay từ năm 2019 Việt Nam đã có một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị); năm 2020 Việt Nam chuyển sang giai đoạn khởi động nhận thức về chuyển đổi số với Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; năm 2021 bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số với Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Và đến năm 2022, bước vào giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn dân và toàn diện với Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trên thực tế, Chương trình thúc đẩy nền tảng số quốc gia đã có những bước đột phá, trong đó, đã sử dụng 35 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, với nguyên tắc “rõ người, rõ việc” đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Trong số này có 2 nền tảng thuộc ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch, là Nền tảng quản trị kinh doanh du lịch và Nền tảng bảo tàng số để số hóa các di tích.

Còn ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, chuyển đổi số đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch. Đây là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh COVID-19. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn.

Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Theo ông Phúc, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với một số nhóm nhiệm vụ chính gồm:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam. Thứ hai, thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp. Thứ ba, ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch như “ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn”, “ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, “hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19”. Thứ tư, hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số, năm 2021 bắt đầu triển khai hỗ trợ Hà Giang, Thanh Hóa xây dựng điểm đến thông minh.Thứ năm, Hỗ trợ phong trào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động; kiến thức, năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được đề ra.

TIN LIÊN QUAN