Liên tục huy động vốn "khủng" để tập trung cho vay margin
CTCP Chứng khoán Rồng Việt thông qua phương án phát hành trái phiếu đợt 2/2022. Trong đó VDSC dự kiến pháy hành 1.200 trái phiếu mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu phát hành 1.200 tỷ đồng. Trong đó có 1.100 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 1 năm và 100 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 2 năm. Trái phiếu có lãi suất từ 9,3% đến 9,6% tuỳ kỳ hạn và tuỳ thời điểm nếu mua lại trước hạn sẽ có lãi suất thấp hơn.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trái phiếu phát hành riêng lẻ thông qua Đại lý phát hành.
Tổng số tiền huy động được từ đợt chào bán dùng để cân đối cho các hoạt động giao dịch ký quỹ, tự doanh/bảo lãnh phát hành, tham gia thị trường trái phiếu…
Trước đó đầu năm 2022 Chứng khoán Rồng Việt đã triển khai phát hành trái phiếu đợt 1/2022 với tổng giá trị trái phiếu phát hành 1.390 tỷ đồng, cũng có kỳ hạn 1 và 2 năm và đều là các trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Không chỉ huy động vốn qua phát hành trái phiếu, Chứng khoán Rồng Việt còn chuẩn bị tăng vốn điều lệ lên thành 2.100 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Trong đó VDSC dự kiến chào bán 52,6 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu, muốn huy động khoảng 526 tỷ đồng để bổ sung vốn hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tham gia thị trường trái phiếu…
Huy động vốn khủng, quý 2 vẫn lỗ nặng
Báo cáo tài chính riêng quý 2/2022 ghi nhận công ty lỗ lớn gần 234 tỷ đồng – so với số lãi 149 tỷ đồng quý 2 năm ngoái. Số lỗ này cũng khiến cho Chứng khoán Rồng Việt chịu lỗ 128 tỷ đồng tính chung 6 tháng đầu năm 2022, trong khi nửa đầu năm ngoái vẫn lãi sau thuế gần 247 tỷ đồng. Hiện Chứng khoán Rồng Việt chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022.
Huy động vốn khủng, nhưng kết quả kinh doanh lại bết bát. Chứng khoán Rồng Việt đang đánh mất lòng tin của nhà đầu tư khi giá cổ phiếu vẫn giảm mạnh? Bất chấp những tin tức về huy động vốn khủng, về phát hành cổ phiếu trả cổ tức, chia cổ phiếu thưởng... thì cổ phiếu VDS vẫn "trượt dốc", mất khoảng 60% giá trị từ vùng đỉnh. Hiện VDS giao dịch quanh mức 18.200 đồng/cổ phiếu.
Giá trị giao dịch của nhà đầu tư gần 51.500 tỷ đồng trong quý 1
Về tình hình hoạt động, tổng giá trị giao dịch của VDSC trong quý 1/2022 chưa đến 3.300 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch cổ phiếu đạt 1.350 tỷ đồng và giá trị giao dịch trái phiếu 1.940 tỷ đồng.
Trong khi đó giá trị giao dịch của các nhà đầu tư đạt gần 51.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào thị trường giao dịch cổ phiếu (50.900 tỷ đồng). Tổng giá trị các khoản cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán đến 31/3/2022 đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Trước đó ngày 22/5/2022 UBCKNN đã chấp thuận cho Chứng khoán Rồng Việt được cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán khác của VDSC đạt gần 3.300 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu như HPG, HSG, DBC, CTG, TCB, PHR, trong đó tạm tính đến cuối quý 1/2022 các cổ phiếu DBC mang lại số tạm lãi lớn nhất, đạt hơn 32 tỷ đồng.
Đối với dòng tiền, báo cáo ghi nhận đến 31/3/2022 VDSC còn khoản vay ngắn hạn gần 2.200 tỷ đồng, trong đó hơn 1.900 tỷ đồng là vay trái phiếu. Ngoài ra công ty còn khoản vay trái phiếu dài hạn hơn 47 tỷ đồng. Chứng khoán Rồng Việt cũng “bêu” tên 1 khoản nợ phải thu khó đòi là 1 cá nhân với dư nợ đến 31/3/2022 gần 2 tỷ đồng. Khoản này VDSC chưa thực hiện trích lập dự phòng.
Số liệu trên BCTC riêng quý 2/2022 ghi nhận tổng giá trị giao dịch của các nhà đầu tư đạt hơn 36.300 tỷ đồng - tập trung vào các giao dịch cổ phiếu. Còn tổng giá trị giao dịch trái phiếu và chứng khoán của VDSC đạt hơn 1.550 tỷ đồng. BCTC riêng quý 2/2022 cũng ghi nhận tính đến 30/6/2022 tổng giá trị dư nợ các khoản cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán còn hơn 2.400 tỷ đồng, giảm khoảng 300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh quý 1 ghi âm 1.400 tỷ đồng
BCTC hợp nhất quý 1/2022 ghi nhận, về hoạt động lưu chuyển tiền tệ, dù huy động vốn lớn qua phát hành trái phiếu từ đầu năm, thì lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 1/2022 vẫn ghi âm 1.423 tỷ đồng, còn lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng chỉ ghi dương hơn 1,3 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính ghi dương 1.355 tỷ đồng.
Về lưu chuyển tiền trong hoạt động môi giới, uỷ thác của khách hàng, tiền và tương đương tiền cuối kỳ đạt gần 1.500 tỷ đồng.