Ngày 6/10 tới, Chứng khoán APG tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường 2021 để thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2021, bầu bổ sung thành viên HĐQT, điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận năm 2021, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh…
Theo đó, Chứng khoán APG phát hành riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 15.000 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Nguồn tiền thu về dự kiến đạt 1.125 tỷ đồng được công ty chi vào hoạt động ký quỹ (375 tỷ đồng), tự doanh (300 tỷ đồng), đầu tư kinh doanh các loại giấy tờ có giá trên thị trường (200 tỷ đồng) và hoạt động bảo lãnh phát hành (250 tỷ đồng). Một trong những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là CTCP Louis Capital (mã cổ phiếu TGG) khi Louis Capital đã công bố kế hoạch chi 200 tỷ đồng mua cổ phần của Chứng khoán APG.
Ngoài ra, Chứng khoán APG còn chào bán 73.153.306 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 1:1. Nếu cổ đông hiện hữu từ chối quyền mua, công ty sẽ chào bán cho nhà đầu tư khác với giá không thấp hơn giá chào bán cho cổ đông hiện hữu. Đợt chào bán được coi thành công khi đạt 50% trở lên. Nguồn vốn thu về dự kiến đạt 877 tỷ đồng được công ty chi cho các hoạt động cho vay ký quỹ (300 tỷ đồng), tự doanh (200 tỷ đồng), đầu tư kinh doanh các loại giấy tờ có giá trên thị trường (100 tỷ đồng), hoạt động bảo lãnh phát hành (200 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (77 tỷ đồng).
Chứng khoán APG được thành lập từ 15/11/2007 với vốn điều lệ ban đầu 135 tỷ đồng. Đến nay, công ty đã trải qua 3 lần tăng vốn điều lệ. Lần 1 vào năm 2011, công ty chào bán 7,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1 nhưng nhà đầu tư chỉ mua vỏn vẹn 289.000 cổ phiếu. Lần 2 vào năm 2019, công ty chào bán riêng lẻ 20,5 triệu cổ phiếu.
Lần 3 vào tháng 6 vừa qua, công ty phát hành 39.124.406 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, 5.104.335 cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 15% và chào bán 34.028.900 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 1:1.
Tỷ lệ từ chối mua cổ phiếu phát hành mới của cổ đông lên đến 68,5%, tương đương 23.308.777 cổ phiếu. Các cổ phiếu này được Chứng khoán APG phân phối cho 8 nhà đầu tư cá nhân với giá bằng giá chào bán cho cổ đông hiện hữu và hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm, tức đến 25/7/2022.
Nguồn vốn thu về được công ty sử dụng 200 tỷ đồng cho nghiệp vụ tự doanh và 140 tỷ đồng trong nghiệp vụ cho vay ký quỹ. Sau đợt phát hành này vốn điều lệ tăng từ 340 tỷ đồng lên 732 tỷ đồng.
Trong thời gian vừa qua, cổ phiếu APG của Chứng khoán APG tăng giá mạnh mẽ. Một trong những nguyên nhân tăng giá của APG là sự xuất hiện nhóm cổ đông Louis và Chứng khoán APG trở thành thành viên trong hệ sinh thái họ Louis. Cụ thể, CTCP Louis Capital (mã cổ phiếu TGG) vừa mua 3 triệu cổ phiếu APG vào 15/9 để trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 5,06% (3,7 triệu cổ phiếu).
Sau giao dịch trên, cổ đông lớn của Chứng khoán APG gồm ông Nguyễn Hồ Hưng sở hữu 9,54% và Louis Capital. Trong đó, ông Nguyễn Hồ Hưng là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán APG từ 5/2013 đến nay và Phó Chủ tịch HĐQT Louis Capital từ 6/9/2021.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Chứng khoán An Phát thực hiện 46 tỷ đồng doanh thu và 32 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 352% và 634% so cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 8, công ty đạt 75 tỷ đồng doanh thu và 65 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, sắp đạt mục tiêu kinh doanh được đề ra hồi đầu năm nay. Do đó, công ty điều chỉnh tăng kế hoạch doanh thu từ 79 tỷ đồng lên 140 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ 70 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh thuận lợi đã giúp cổ phiếu APG tăng 153% trong năm nay và vốn hóa công ty đạt 1.814 tỷ đồng.