CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco – mã chứng khoán AGR) công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2022 với lợi nhuận tụt dốc so với cùng kỳ. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm 2022 cộng doanh thu hoạt động đạt gần 188 tỷ đồng, cũng chỉ giảm 3% so với nửa đầu năm ngoái. Tuy vậy lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 1/4 cùng lỳ, còn gần 72 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận quý 2 và cả 6 tháng đầu năm nay của Agriseco giảm mạnh do các khoản chi phí hoạt động. Báo cáo ghi nhận lỗ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (PVTPL) và việc ghi nhận khoản chi phí dự phòng TSTC, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm TSTC và chi phí đi vay của các khoản cho vay.
Về hoạt động kinh doanh, dư cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán đến 30/6/2022 đạt 1.417 tỷ đồng, giảm 277 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư trong kỳ hơn 28.300 tỷ đồng, tập trung vào mua/bán cổ phiếu. Còn giá trị giao dịch của Agriseco trong kỳ đạt gần 700 tỷ đồng, trong đó cũng không phát sinh giá trị giao dịch mua/bán trái phiếu.
Tổng tài sản của Agriseco tính đến 30/6/2022 đạt gần 2.550 tỷ đồng, trong đó có khoản dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu 1.135 tỷ đồng. Thuyết minh BCTC ghi rõ đây là "dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi". Danh sách các khoản nợ này được Agriseco “ghi” lại gồm rất nhiều cái tên là các cá nhân và các “mục” gây nên khoản nợ khó đòi này. Thậm chí trong số này, vẫn có những “khoản nợ” còn tiếp tục tăng.
Số dư dự phòng từ 13 khách hàng “mua trước quyền niêm yết” có tổng giá trị “phải thu” hơn 13,7 tỷ đồng, và đã trích lập dự phòng hơn 9,2 tỷ đồng. Trong danh sách này, khách hàng “nợ” lớn nhất là cá nhân ông Nguyễn Ngọc Minh Lễ với tổng giá trị phải thu hơn 5,3 tỷ đồng, có số dư dự phòng đến 30/6/2022 hơn 2,27 tỷ đồng. Khách hàng “nợ’ lớn thứ 2 là bà Nguyễn Hoàng Nguyên và thứ 3 là Nguyễn Hoàng Trân Châu đều có khoản phải thu lên đến tiền tỷ.
Đáng chý ý, danh sách này đã được "rút gọn" đáng kể so với list đến 43 cái tên tính đến 31/12/2021. Những cái tên được rút đi nằm trong số những nhà đầu tư có "số dư dự phòng cụ thể tại ngày 31/12/2021" bằng 0. Tuy vậy cũng khá khó hiểu do cùng với số dư bằng 0 này, xem trên BCTC quý 3/2021 và quý 4/2021 lại vẫn giữ nguyên, không "lược" bớt.
Khoản phải thu liên quan đến khách hàng “mua trước quyền chưa niêm yết” gần 523 tỷ đồng và đã lập dư dự phòng gần hết số dư này, hơn 522 tỷ đồng. Trong số này phần lớn vẫn là những khách hàng cá nhân, có khoản dư hàng chục tỷ đồng. Và danh sách khách hàng "nợ xấu" này cũng đã được rút gọn đi một số tên so với số liệu ghi nhận đến cuối năm 2021.
Ngoài ra còn những khoản phải thu khó đòi liên quan đến việc để nhà đầu tư âm tài khoản, trong đó có những tài khoản âm hơn 621 triệu đồng, có những tài khoản âm hơn 430 triệu đồng…Có những khoản phải thu khó đòi liên quan đến nghiệp vụ tư vấn, trong đó có khoản liên quan Công ty TNHH Đầu tư TM&DV vận tải (TAFC). Agriseco còn khoản phải thu khó đòi liên quan đến trái phiếu Vinashin trị giá xấp xỉ 600 tỷ đồng - khoản này đã được công ty xác định là không có khả năng thu hồi và đã trích lập dự phòng toàn bộ.