Chưa có FTA, Việt Nam đang dần khai thác tốt 2 thị trường khu vực Bắc Mỹ

(NTD) - Canada và Mexico là 2 nước chưa có hiệp định song phương với Việt Nam nhưng lại cùng nằm trong khối Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chính vì thế đây là 2 thị trường còn nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khai thác.

 

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang dần khai thác tốt thị trường Canada và Mexico. Ảnh: Kim Ngọc

Đánh giá về hiệu quả thực thi các FTA, gần đây nhất là CPTPP trong việc thúc đẩy xuất khẩu, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp Việt đang khai thác hiệu quả những thị trường Việt Nam chưa có FTA.

Cụ thể, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào 2 thị trường này trong năm 2019 lần lượt 26 và 29%.

Ông Thái cho biết thêm, trước đây với tổng thể thị trường CPTPP, Việt Nam nhập siêu ở mức 0,9 tỷ USD, năm 2019 xuất siêu 1,6 tỷ USD. Tất nhiên không thể nói tất cả các con số này đều nhờ CPTPP, nhưng tôi nghĩ CPTPP có đóng góp phần nào. Có thể thấy tăng trưởng xuất khẩu năm 2019  có sự đóng góp của thực thi CPTPP.

2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam tiếp tục tận dụng cơ hội từ CPTPP để xuất khẩu sang các thị trường kể trên. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada đạt 578 triệu USD, tăng 20,39% so với cùng kỳ.

Với khoảng 36,71 triệu dân, mức sống cao và tỷ lệ đô thị hóa tới 80%, Canada được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: dệt may, giày dép, thủy sản, chè, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, đồ gỗ…

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 2 tháng qua đạt hơn 100 triệu USD, tăng 5,86%. Nhưng chiếm thị phần lớn nhất phải kể đến nhóm điện thoại các loại và linh kiện với 21,13% đạt 122,09 triệu USD, tăng trưởng mạnh tới 104,22% so cùng kỳ. Đây là hai nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Canada có trị giá lớn nhất lên hàng trăm triệu USD.

Sản phẩm từ sắt thép và chất dẻo nguyên liệu cũng có mức tăng trưởng mạnh tương ứng 153,69% và 354,06% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Mexico cũng đạt 497,2 triệu USD, dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 133,6 triệu USD, điện thoại các loại và linh kiện 122,6 triệu USD; giày dép các loại 47,5 triệu USD, hàng dệt may 16,3 triệu USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 34,5 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 35,2 triệu USD.

Nguyễn Ngọc

Nên đọc