Chủ tịch Phan Xuân Dũng: Vị thế một đất nước gắn liền với KH&CN

(CL&CS) - Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng khẳng định, vị thế của đất nước gắn liền với KH&CN. Thấm nhuần lời dạy của Bác, đội ngũ trí thức Việt Nam luôn nhiệt huyết, có khát vọng vươn lên, đưa KH&CN trở thành quốc sách hàng đầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963. Ảnh tư liệu: most.gov.vn.

Làm theo lời Bác, đưa KH&CN thành quốc sách hàng đầu

Thưa TSKH Phan Xuân Dũng, ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức nước nhà. Điều này có ý nghĩa thế nào với đội ngũ trí thức KH&CN, đặc biệt với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam)?

Ngày 18/5/1985, tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày nay, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ: “Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, tri thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng. Ảnh: Mai Loan.

Thấm nhuần lời dạy của Bác kính yêu, đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam luôn mang trong mình nhiệt huyết cách mạng, khát vọng vươn lên, đưa KH&CN trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước.

Đội ngũ trí thức KH&CN nước ta đã ra sức, phát huy tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và Nhân dân cả nước đóng góp trí tuệ, sức lực xây dựng đất nước.

Hai mươi năm sau, ngày 26/3/1983, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được thành lập. Đảng ta phân công Thiếu tướng, Anh hùng Lao động, GS.VS Trần Đại Nghĩa - nhà khoa học lớn của đất nước, đã vì dân tộc từ bỏ phú quý, giàu sang, theo Bác về phụng sự Tổ quốc, làm Chủ tịch đầu tiên.

Từ đó đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN trong nước và nước ngoài, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tư tưởng chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Cụ thể, vai trò đó đã và đang được thể hiện thế nào, thưa Chủ tịch?

Đến nay, Liên Hiệp Hội Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, xếp trong số 30 hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.

Hiện tại, Liên hiệp Hội Việt Nam có 156 hội thành viên, trong đó, 93 hội ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; 560 tổ chức KH&CN; khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có trên 2,2 triệu trí thức, chiếm khoảng 32,5% số trí thức trong cả nước; thành lập gần 600 tổ chức KH&CN trực thuộc, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Vifotec, Báo Tri thức và Cuộc sống, Nhà xuất bản Tri thức.

Trong các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nội dung cơ bản. Thời gian qua, mỗi năm, Liên hiệp Hội Việt Nam triển khai khoảng 500 - 600 nhiệm vụ; trong 5 năm qua đã tư vấn, phản biện khoảng 3.000 nhiệm vụ.

Các nhiệm vụ tập trung góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đảng các cấp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng, dự án đầu tư trọng điểm; những vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KH&CN.

Đây là kênh quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc lấy ý kiến để quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc. Liên hiệp Hội từ Trung ương tới tỉnh, thành trở thành cầu nối tin tưởng giữa trí thức với Đảng.

Rạng danh KH&CN Việt Nam trên trường quốc tế

Liên hiệp Hội Việt Nam là ngôi nhà chung của các trí thức KH&CN. Ông đánh giá thế nào về vai trò của đội ngũ này đối với sự phát triển đất nước?

Theo tôi, vị thế, sức mạnh của một đất nước, dân tộc luôn gắn liền KH&CN, được đo bằng “trình độ” về KH&CN. Điều đó rất đúng với Việt Nam.

Những năm qua, Việt Nam từ một nước thiếu ăn đến đủ ăn, rồi xuất khẩu về nông nghiệp vào bậc nhất thế giới. Chúng ta từ chỗ chỉ xuất khẩu sản phẩm thô sơ đến vươn ra những thị trường khó tính nhất thế giới với những sản phẩm chất lượng. Trong công nghiệp chế tạo, Việt Nam từ chỗ chỉ sửa chữa, lắp ráp, giờ có thể tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam…

Điều đó do đâu? Chính là nhờ khoa học. Các nhà khoa học Việt Nam không chỉ rút ngắn khoảng cách đất nước ta với các nước tiên tiến trên thế giới, mà còn làm tăng thứ hạng, khẳng định uy tín của Việt Nam trên thế giới. Đội ngũ trí thức của chúng ta không chỉ đóng góp cho đất nước, mà còn làm rạng danh tên tuổi của họ trên bản đồ thế giới, được bạn bè thế giới tôn trọng.

Chủ tịch đánh giá thế nào về những chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức KH&CN những năm qua?

Đảng, Nhà nước ra rất quan tâm tới KH&CN, ra nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng phát triển KH&CN. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết 27.

Trên cơ sở Nghị quyết 27, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ trí thức; trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến cơ bản trong đào tạo nguồn nhân lực; nêu rõ vai trò, trách nhiệm của trí thức.

Cùng đó, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 45-NQ/TW) cũng khẳng định: Đội ngũ trí thức “là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội...

Đó chính là những nền tảng quan trọng, động lực mạnh mẽ để đội ngũ trí thức hết lòng cống hiến tài năng, tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành KH&CN nói riêng và đất nước nói chung.

Đổi mới cơ chế để trí thức KH&CN tận hiến

Để KH&CN nước nhà phát triển hơn nữa trong thời gian tới, theo Chủ tịch, đâu là những thách thức và giải pháp cần có?

Tôi cho rằng, những cơ chế, chính sách cần có đổi mới để phù hợp tình hình mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngũ trí thức phát huy khả năng và cống hiến cho đất nước.

Đầu tiên là về đội ngũ trí thức KH&CN. Những năm qua, dù chúng ta có những phát triển vượt bậc nhưng để đáp ứng tốt yêu cầu trong tình hình mới, cần phải được củng cố về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Một thực tế không thể phủ nhận, chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước tiên tiến và phát triển trên thế giới. Nếu chúng ta không tạo đà phát triển nhanh và mạnh hơn, khoảng cách này có thể ngày một xa hơn.

Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, công nghệ phát triển như vũ bão, ở một mức độ chưa từng có. Chúng ta phải đưa KH&CN Việt Nam hội nhập, hòa chung với sự vận động của KH&CN thế giới. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của nước ta vẫn còn khoảng cách so với đòi hỏi của thực tiễn.

Do đó, việc đầu tư chiều sâu để nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có thế mạnh, cần được quan tâm nhiều hơn. Đồng thời, đội ngũ trí thức và những người làm khoa học cũng phải tận dụng tốt hơn cơ hội thuận lợi đang có để vượt qua thách thức và khó khăn.

Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ làm gì để phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN, thưa Chủ tịch?

Nghị quyết 45 đã ghi rất rõ nội dung yêu cầu về đội ngũ trí thức KH&CN, trong đó, có những điều khoản, yêu cầu riêng đối với Liên hiệp Hội Việt Nam. Với Liên hiệp Hội Việt Nam, đây là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm. Liên hiệp Hội Việt Nam đã và sẽ triển khai tích cực nhiều hoạt động để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ này.

Là một nhà khoa học, đồng thời là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông có thể chia sẻ cảm xúc nhân Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam?

Cả cuộc đời tôi, hơn 40 năm gắn bó với khoa học, hiện giờ là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, được chứng kiến sự trưởng thành của nền KH&CN nước nhà, khi nói tới khoa học, trong tôi luôn là sự xúc động. Tôi rất mong KH&CN của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các trí thức KH&CN sẽ có nhiều cống hiến, thành công hơn nữa, xứng đáng với kỳ vọng và lời dặn dò của Bác Hồ về nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.

Trân trọng cảm ơn TSKH Phan Xuân Dũng!

Hãy trao cho nhà khoa học dũng khí dám nói, dám nghĩ, dám làm 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (diễn ra vào ngày 15/5 tại Hà Nội), TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, mỗi thắng lợi của đất nước không thể tách rời sự đóng góp hiệu quả, to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học.

“Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Việt làm rạng danh đất nước, không chỉ rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới, mà còn tạo nên thứ bậc ngày càng cao và có uy tín trên thế giới. Chúng ta thật tự hào khi là thành viên của cộng đồng KH&CN Việt Nam”, TSKH Phan Xuân Dũng nói.

Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tiếp tục tin tưởng trí thức hơn nữa, hãy trao cho họ dũng khí dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám hành động hơn nữa. “Có niềm tin là có tất cả. Làm tốt điều đó, đất nước ta sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và sẽ đạt ở một tầm cao mới mà ít dân tộc nào trên thế giới có thể sánh kịp”, TSKH Phan Xuân Dũng nói.

TIN LIÊN QUAN