Ông Trương Anh Tuấn thông báo vừa chốt lời 24 triệu cổ phiếu HQC từ ngày 27/10 - 3/11/2021. Trong giai đoạn này, cổ phiếu HQC có giá từ 5.000 - 5.970 đồng/cổ phiếu giúp ông thu về từ 120 - 143 tỷ đồng.
Sau giao dịch trên, ông Trương Anh Tuấn giảm tỷ lệ sở hữu tại HQC từ 8,47% (40.350.240 cổ phiếu) về còn 3,43% (16.350.240 cổ phiếu). Hiện nay, ông và những người nội bộ còn sở hữu 7,42% (35.356.021 cổ phiếu) vốn điều lệ của HQC.
Ngoài vị trí Chủ tịch, ông Trương Anh Tuấn còn có 3 người nội bộ đang ở trong HĐQT Hoàng Quân. Đó là Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Diệu Phương (vợ), thành viên Trương Đức Hiếu (em trai) và Trương Thái Sơn (em trai). Trong đó, bà Nguyễn Thị Diệu Phương đang sở hữu 18.189.840 cổ phiếu, tỷ lệ 3,82%.
Được biết vào năm 2019, ông Trương Anh Tuấn có hai lần mua cổ phiếu HQC ở vùng giá thấp với tổng khối lượng 20 triệu cổ phiếu, trị giá từ 27,4 - 29,3 tỷ đồng. Đó là thời gian 9/5 - 15/5/2019 và 7/8 - 6/9/2019, cổ phiếu HQC nằm trong xu hướng giảm lần lượt có mức giá 1.540 - 1.410 đồng/cổ phiếu và 1.390 - 1.330 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, hơn 2 năm đầu tư vào cổ phiếu HQC, ông Trương Anh Tuấn đã thu lời gần trăm tỷ đồng với tỷ suất sinh lời khoảng 287%.
Trong hai năm vừa qua, cổ phiếu HQC có màn lột xác theo sự thăng hoa của thị trường chứng khoán cũng như có sự góp mặt của các nhà đầu tư lớn như ông Lê Văn Lợi. HQC tăng giá 79% trong năm 2020 và 173% từ đầu năm 2021 đến nay. Tuy nhiên, HQC vẫn là một cổ phiếu khiến rất nhiều nhà đầu tư cháy tài khoản vì giảm giá 78% từ đỉnh cao nhất vào năm 2011.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Hoàng Quân đạt 29 tỷ đồng doanh thu thuần và 1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 77% và 11% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, công ty đạt 206 tỷ đồng doanh thu thuần và 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 55% và 64% so cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả kinh doanh rất thấp so với quy mô vốn điều lệ 4.766 tỷ đồng và tổng tài sản 7.149 tỷ đồng của Hoàng Quân.