Theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV và cũng là thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia thì triển vọng phục hồi kinh tế được dự báo tương đối tích cực cùng với tiến trình bao phủ vaccine và thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp hơn.
Với làn sóng dịch thứ 4 cơ bản đã được kiểm soát hiện nay và tiêm chủng đang được đẩy mạnh, Việt Nam đang tiến tới trạng thái “sống chung an toàn với Covid” tại hầu hết các tỉnh, thành, TS.Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 dự báo đạt 2%, lạm phát ở mức thấp 2,2 - 2,4%.
Dự báo cho năm 2022, ông Lực cho rằng năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi ấn tượng, đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5 - 7% và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,4 - 3,7%. Nhưng mức tăng trưởng này chỉ có thể xảy ra khi Việt Nam thiết kế và thực hiện tốt Chiến lược phòng, chống dịch phù hợp, linh hoạt, thích ứng và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022-2023.
Nói về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều nhưng dư địa sách tài khóa đang còn rộng và dư địa các gói hỗ trợ khác còn tương đối lớn.
Dư địa tài khóa còn đủ rộng nhờ thâm hụt ngân sách, nợ công, nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN, lạm phát... vẫn trong ngưỡng an toàn và đang được kiểm soát tốt, đang thấp hơn các nước trong khu vực.
Việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và cơ cấu lại nợ công thời gian qua đã tạo không gian chính sách, tạo nguồn tích lũy ngân sách để duy trì xu hướng mở rộng trong giai đoạn 2022-2023.
Về dư địa còn tương đối lớn của các gói hỗ trợ khác, ông Lực cho rằng các gói hỗ trợ khác như an sinh xã hội, gói hỗ trợ tiền điện, nước, viễn thông…vẫn còn dư địa triển khai tiếp trong năm 2022 do tỷ lệ thực hiện còn thấp và độ rộng, độ bao phủ còn tương đối hạn chế.
Với dư địa chính sách như vậy, cũng như nhiều chuyên gia khác, TS.Cấn Văn Lực cho rằng để có nguồn lực phục hồi và để kinh tế phát triển thì cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng trong tầm kiểm soát và tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN.
Kiến nghị này được đưa ra vì đang có cơ hội tăng vay nợ trong nước (qua phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp, rủi ro thấp, tạo dư địa gia tăng chi tiêu ngân sách cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.
TS.Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh chương trình phục hồi phải xác định mục tiêu rõ ràng và thống nhất trong quá trình phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lúc này là đẩy nhanh phục hồi, tăng trưởng ổn định và lạm phát vừa phải.
Để sớm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng mới trong dài hạn, ông Lực kiến nghị nghiên cứu triển khai hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ khác và đây là những cấu phần quan trọng trong chương trình phục hồi.
Trong gói hỗ trợ tài khóa: ông Lực đề nghị giảm 1-2% thuế GTGT trong năm 2022 để đẩy tiêu dùng trong nước. Thúc đẩy bảo lãnh vay DNNVV qua các quỹ bảo lãnh vay vốn DNNVV tại các địa phương;
Và nên có gói tín dụng hỗ trợ lãi suất (thấp hơn khoảng 2-3% so với lãi suất thị trường).
Đồng thời tiếp tục giảm một số loại thuế, phí như đã thực hiện năm 2021 và hỗ trợ một phần chi phí đầu vào cho DN (như giảm phí BHXH, phí công đoàn, hỗ trợ chi phí xét nghiệm, chi phí “3 tại chỗ”, chi phí tuyển dụng, đào tạo…);
Bên cạnh đó là đầu tư nâng cao năng lực y tế và thiết lập quỹ phòng chống dịch bệnh, tiến tới có quỹ khẩn cấp quốc gia;
Tăng đầu tư cho giáo dục, đào tạo nghề, CSHT, năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu…v.v.
“Tổng các gói hỗ trợ tài khóa này chúng tôi ước tính khoảng 400.000 tỷ đồng, ước thực chi khoảng 240.000 tỷ đồng (3% GDP); chưa kể phần hỗ trợ an sinh xã hội, phần tăng đầu tư CSHT và đầu tư của SCIC (như Bộ KH-ĐT đang đề xuất) do bản chất các khoản đầu tư này là khác”, ông Lực cho biết.
Về gói an sinh xã hội: ông Lực đề nghị chú trọng hỗ trợ lao động tự do, lao động khu vực phi chính thức và hỗ trợ người lao động của những DN bị phá sản, thua lỗ (và DN này không thuộc diện được hỗ trợ); Hỗ trợ đào tạo nghề bằng việc hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất, thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi sản xuất…v.v.
Về các chính sách khác: theo ông Lực là nên giảm 10% tiền điện, cước viễn thông trong năm 2022; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (hỗ trợ 50% chi phí tư vấn chiến lược, tư vấn triển khai chuyển đổi số, chi phí mua giải pháp chuyển đổi số cho các DNNVV…); Tài trợ (20-30%) cho các dự án nâng cấp đổi mới công nghệ của DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và 1 số lĩnh vực ưu tiên khác…v.v.
“Với các gói hỗ trợ tài khóa này, theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, nợ công/GDP chỉ tăng khoảng 1-2 điểm %, thâm hụt ngân sách/GDP tăng và có thể khoảng 5,5-6% GDP năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm khá nhanh khi kết thúc Chương trình phục hồi và kinh tế lấy lại đà tăng trưởng tích cực (6,5-7%) sau đó”, TS.Cấn Văn Lực tính toán.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).