Chia cổ tức bằng cổ phiếu, VietinBank soán ngôi vốn điều lệ của Hòa Phát

(CL&CS) - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017 - 2019 với tỷ lệ 29,0695%. Sau đợt phát hành này, VietinBank vượt qua Hòa Phát, trở thành doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán với 48.058 tỷ đồng.

Top 10 doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán tại thời điểm 7/7 tới. (Đơn vị tính: tỷ đồng)

VietinBank thông báo 7/7 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức. Theo đó, ngân hàng này sẽ thực hiện phát hành 1.082.375.087 cổ phiếu, tỷ lệ 29,0695% để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định của các năm 2017 - 2019 và trả cổ tức bằng tiền của năm 2019. Được biết, VietinBank đã chi 1.862 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2019 bằng tiền, tỷ lệ 5% vào 21/1/2021.

Sau đợt phát hành, số lượng cổ phiếu lưu hành của VietinBank tăng lên 4.805.779.643 cổ phiếu, tương đương mức vốn điều lệ là 48.058 tỷ đồng, vượt qua CTCP Tập đoàn Hòa Phát, trở thành doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Được biết, Hòa Phát vừa giành ngôi vị quán quân này từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sau ngày 31/5 khi thực hiện chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 35%.

Sau đợt phát hành cổ phiếu của VietinBank, top 10 doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán lần lượt là VietinBank, Hòa Phát, BIDV, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Vietnam Rubber Group), VietinBank, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Tập đoàn Vingroup - CTCP, CTCP Vinhomes, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global).

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của VietinBank đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2020. Lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2020 đạt 13.256 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại sau trích các quỹ là 8.480 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu, tỷ lệ 12,6456%. Như vậy, VietinBank sẽ phát hành 607.719.670 cổ phiếu để trả cổ tức. Sau đợt phát hành này, số lượng cổ phiếu lưu hành đạt 54.125 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tăng vốn của VietinBank phải có sự thông qua của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Năm 2021, VietinBank đặt mục tiêu tài sản tăng trưởng 6-10%, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 8-12%, dư nợ tín dụng tăng 7,5%. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 16.800 tỷ đồng.

Quý 1/2021, VietinBank báo lợi nhuận riêng lẻ trước thuế đạt 7.771 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ năm trước, bằng 46,3% kế hoạch năm và được nhiều tổ chức tài chính dự báo lợi nhuận năm nay của VietinBank có thể vượt mốc 1 tỷ USD (hơn 23.000 tỷ đồng).

Nhờ kết quả kinh doanh năm nay được dự báo lạc quan đã giúp cổ phiếu CTG tăng chóng mặt so với 2 ngân hàng còn lại có vốn của Ngân hàng Nhà nước là BIDV và Vietcombank.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu BID của BIDV giảm 4,9%, VCB của Vietcombank tăng 15% nhưng CTG của VietinBank tăng 55,7%. Cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ đã giúp vốn hóa của VietinBank vượt qua BIDV trên bảng xếp hạng.  

TIN LIÊN QUAN