Quyết định 'đổi vận' 15 năm trước
Nhắc đến cơ trưởng Nguyễn Ly Hương, người ta dễ dàng nhớ tới ngay danh xưng “nữ phi công đầu tiên trong lịch sử Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết, đây là thông tin đúng nhưng… chưa được chính xác: Chị Hương là nữ cơ trưởng Việt Nam đầu tiên, hiện đang là cơ trưởng máy bay A350 của Vietnam Airlines.
Vào 15 năm trước, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Giao thông vận tải, cô gái trẻ Ly Hương có cơ hội làm việc cho một cơ quan uy tín tại Hà Nội. Tuy nhiên cùng lúc đó, cô đọc được thông tin tuyển phi công - một nghề mà Ly Hương không thực sự nghĩ mình sẽ theo đuổi, chỉ đơn giản là muốn được tận mắt nhìn thấy máy bay.
Bất ngờ, chị Hương đã vượt qua hàng loạt các bài kiểm tra khắt khe. Đặc biệt trong các vòng kiểm tra thể lực quay li tâm, cô hạ "đo ván" cả ngàn thí sinh nam to cao, khỏe mạnh.
Nữ cơ trưởng bắt đầu con đường trở thành phi công bằng việc tham gia khóa học tại Trung tâm Huấn luyện Bay từ tháng 1/2006.
Để trở thành nữ phi công, chị Hương trải qua quá trình đào tạo với 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 là đào tạo huấn luyện phi công cơ bản, giai đoạn 2 là huấn luyện phi công chuyển loại. Sau khi hoàn thành xong 2 giai đoạn này thì sẽ chính thức trở thành một cơ phó của một loại máy bay. Đây là chương trình đào tạo chung cho tất cả mọi người không phân biệt nam hay nữ. Tiêu chuẩn nghề nghiệp là như nhau, yêu cầu sức khoẻ cũng vậy.
Một năm sau, cô đã xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển chọn và cùng 20 ứng viên khác tiếp tục học đào tạo phi công tại trường ESMA, Montpellier, Pháp.
Bằng sự quyết tâm và có phần… liều lĩnh, Nguyễn Ly Hương đã từng bước thuyết phục bố mẹ, từ chối một cơ hội nghề nghiệp đúng chuyên ngành từ công ty danh tiếng; vượt qua tất cả các vòng sơ tuyển ngặt nghèo về thể lực và tâm lý để chính thức bước chân vào ngành hàng không trước khi trở thành một trong hai phi công nữ đầu tiên rồi Cơ trưởng đầu tiên của lịch sử Hàng không Việt Nam.
Sau 1 năm học tập tại Việt Nam và 2 năm miệt mài tại Học viện Hàng không Montpellier, cô đã đạt được bằng phi công thương mại và trở thành nữ phi công Việt Nam đầu tiên vào cuối năm 2008. Sau khi tốt nghiệp, Ly Hương gia nhập vào Vietnam Airlines, làm việc tại đội bay 919 và chủ yếu thực hiện các chặng bay nội địa.
Trải qua 13 năm kinh nghiệm, trong đó có 8 năm kinh nghiệm vị trí cơ trưởng, vào tháng 6/2021, Ly Hương đã lên được vị trí cơ trưởng máy bay A350. Trong quá trình làm việc tại các vị trí, đơn vị sẽ có các yêu cầu về năng lực làm việc, giờ bay tích lũy tương ứng. Khi đạt được các yêu cầu đó cùng với mong muốn của bản thân, phi công sẽ có cơ hội để chuyển loại.
“Khi về già, người ta thường hối hận vì những điều mình đã không làm hơn là những gì mình đã làm”. Với suy nghĩ đó, cô sinh viên vừa tốt nghiệp Nguyễn Ly Hương ngày ấy đã quyết tâm bỏ cơ hội việc làm đang rộng mở để “dấn thân” vào một lĩnh vực khác, đầy thử thách. Hơn chục năm đã trôi qua, nhìn lại hành trình đầy đam mê nhưng cũng không ít thử thách đó, chị Ly Hương tóm gọn lại trong hai chữ: Hài lòng.
Nghề phi công đúng thật là có vất vả
15 năm trong nghề, trải qua những chuyến bay thuận lợi có, khó khăn cũng có, chị Hương cho rằng, một vài sự cố trong hành trình làm nghề như điều kiện thời tiết xấu, tình huống phát sinh về hành khách; chậm chuyến… đã giúp chị vững vàng hơn trong công việc, có năng lực và kinh nghiệm ra quyết định, xử lý tình huống.
Bên cạnh đó, công việc sẽ có những lúc mệt mỏi như giờ giấc không cố định, thay đổi thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe. Vào giai đoạn cao điểm vất vả liên tục, không thể về nhà đúng giờ, có về tới nơi cũng chỉ có thời gian để nghỉ ngơi, không đủ sức chăm sóc con cái… Hoặc với gia đình chị, có những lúc không có người trông con, chồng đón con, đưa con đến sân bay chờ vợ hạ cánh, giao con cho vợ rồi lại đi bay không phải là chuyện hiếm.
“Con tôi từng kể một chuyện vui như thế này: Ở lớp, con là học sinh duy nhất mà phụ huynh không thường xuyên đưa con đi học hay tham gia các hoạt động ở trường. Nhưng khi tôi hỏi con có cần bố mẹ đưa đón như các bạn không thì bé trả lời: Con hoàn toàn hiểu công việc của bố mẹ…
Là phi công, ai cũng sẽ có lúc như thế. Tuy nhiên, đây chỉ là những quãng ngắn hạn, và tôi nghĩ mọi người đều sẽ suy nghĩ tích cực bởi hiểu và chấp nhận đặc thù nghề nghiệp của mình. Khi đã lựa chọn, tức là đã phải chuẩn bị tâm lý từ trước. Thậm chí gia đình còn thấu hiểu cho mình thì hà cớ gì mình không vượt qua được.
Nói chung nếu hỏi nghề phi công có vất vả không thì câu trả lời là có. Nhưng bảo có thích nghi được không thì vẫn thích nghi được. Chưa kể, cơ hội nghề nghiệp mang lại cho mình rất nhiều. Chẳng hạn khi tiếp xúc với máy bay có độ hiện đại cao, đòi hỏi bạn không ngừng học hỏi, update thông tin, năng lực bản thân được nâng lên, trí óc được luyện tập, không bị trì trệ. Môi trường làm việc rất chuyên nghiệp, bên cạnh các đồng nghiệp cũng vô cùng chuyên nghiệp. Quy định trong công việc về nghỉ ngơi cũng cố định", chị Hương chia sẻ.
Nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam bộc bạch, nhiều người nghĩ rằng những người phi công đều có tính cách rất mạnh mẽ, nhưng theo Ly Hương, thực tế các nữ phi công thực tế rất mềm mại, dịu dàng. Yếu tố quan trọng để các nữ phi công theo đuổi nghề tưởng chừng chỉ dành cho phái mạnh là sự hiểu biết về nghề để chuẩn bị tâm lý, năng lực, kiến thức và đam mê.
*Tổng hợp từ Đời sống&Pháp luật, Báo Giao thông, Báo Nhân dân