Cầu quay Khánh Hội là cây cầu quay duy nhất được xây dựng ở Việt Nam thời thuộc địa với thiết kế độc đáo, mang ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử Sài Gòn.
Cầu Khánh Hội bắc qua kênh Bến Nghé, ngay cửa ngõ sông Sài Gòn và kế bên bến Nhà Rồng, là 1 trong 11 cây cầu trọng yếu trên đại lộ Đông Tây - tuyến đường đẹp và hiện đại nhất của thành phố hiện nay. Trong suốt lịch sử hơn 100 năm ra đời, cầu đã hai lần được phát bỏ để xây mới nhằm đảm nhiệm vai trò là trục kết nối chính, từ trung tâm quận 1 thẳng về quận 4, 7 và huyện Nhà Bè.
Cụ thể, năm 1904, người Pháp xây cầu này với tên gọi Le pont tournant có nghĩa là cầu quay. Do cầu có độ tĩnh không thông thuyền quá thấp nên cầu được thiết kế đoạn giữa quay ngang. Hàng ngày ghe thuyền tập trung đợi đến giờ cầu quay thông kênh để qua lại.
Cũng nhờ có cầu Quay, việc làm ăn buôn bán đi lại của người dân 2 bên bờ thuận lợi hơn. Tuy nhiên cũng chỉ được vài chục năm, cho đến năm 1949, cầu được xây dựng lại cố định. Trên cầu có thêm tuyến đường sắt đi vào thương cảng Sài Gòn.
Hàng hóa về thành phố và ngược lại đi trên những toa tàu ngang qua cầu đã làm cho thị trường phong phú hơn và cuộc sống của những người lao động khá lên. Nhưng cũng chỉ được vài năm, cầu Khánh Hội thêm một lần bị phá bỏ. Cây cầu bê tông mới được xây dựng vào năm 1954.
Thông tin trên báo Vietnamnet cho biết, khu vực Khánh Hội vào những năm trước 1975 là nơi tập trung khá nhiều dân lao động tứ xứ. Hầu hết những người này làm việc cho thương cảng Sài Gòn hoặc những công việc liên quan đến hàng hóa. Gầm cầu Khánh Hội vắng vẻ thành điểm trú chân lý tưởng của những gã không nhà cửa. Tại đây, các băng nhóm giang hồ thường hội quân rồi kéo nhau sang quận 1 đâm chém. Trong số các nhóm du đãng này nổi bật nhất là "tứ đại thiên vương" mà kẻ cầm đầu là Đại Cathay, một đại ca khét tiếng thời đó.
Cuộc sống của người dân quận 4 nói chung vào thời điểm đó rất khổ cực. Họ phải sống trong các khu ổ chuột ẩm thấp, đường sá chật hẹp và tương lai mù mịt.
Đến cuối thế kỷ 19, khi thương cảng Sài Gòn phát triển, khu Khánh Hội xuất hiện những xóm thợ của phu khuân vác bến cảng hay công nhân làm bên hãng tàu Ba Son. Các làng sau đó được nhập vào thành phố Sài Gòn, gộp chung thành Hộ 3. Cái tên Khánh Hội khi ấy được dùng chung cho cả vùng đất bao quanh cảng Sài Gòn, bây giờ là quận 4. Năm 1990, con đường Khánh Hội được mở ra sau khi giải tỏa những xóm nhà ổ chuột.
Với cầu Khánh Hội, sau lần đập bỏ cầu quay, đến năm 2006 để phục vụ tuyến đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm, nó tiếp tục bị tháo dỡ để xây mới cao hơn. Cầu Khánh Hội ngày nay có dáng cong mềm mại và cách điệu, trở thành điểm nhấn hiện đại giữa lòng Sài Gòn và là địa điểm check- in thu hút nhiều người.
Ngày nay, cầu Khánh Hội được xem là 1 trong số 11 cây cầu trọng yếu trên toàn tuyến Đại lộ Đông - Tây
Khi tới TP. HCM du lịch, ngoài việc chiêm ngưỡng cầu Khánh Hội, du khách có thể điểm qua một vài cây cầu lân cận để ngắm nhìn và lưu giữ hình ảnh nơi đây như:
Cầu Ánh Sao
Cầu Ánh Sao thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), là hình ảnh quen thuộc với người dân TP.HCM. Công trình này cũng là cầu bộ hành đầu tiên của Việt Nam có hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng bằng pin thu năng lượng mặt trời.
Cầu Phú Mỹ
Cầu Phú Mỹ là cầu dây văng lớn nhất TP.HCM, bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 2 với quận 7. Cây cầu không chỉ là một công trình trọng điểm của Việt Nam, mà còn là một trong những công trình có hệ thống dây văng hiện đại nhất thế giới.
Cầu Phú Mỹ mang vẻ đẹp hiện đại, nhộn nhịp đặc trưng của TP.HCM. Cây cầu là địa điểm hấp dẫn những nhiếp ảnh gia và giới trẻ khi tới TP.HCM.
Cầu Mống
Ngoài cầu Ánh Sao, cầu Mống cũng là một trong những cây cầu bộ hành nổi tiếng thu hút giới trẻ tại thành phố mang tên Bác. Cầu Mống bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nối liền quận 1 và quận 4.
Cây cầu mang lối kiến trúc Pháp độc đáo có tuổi đời hơn 120 năm, tạo nên nét đẹp cổ kính, hài hòa với vẻ đẹp hiện đại, náo nhiệt của TP.HCM. Hiện trên lan can cầu có hàng chục ổ khóa mang bút tích của nhiều cặp đôi nên ngoài tên chính thức, cầu Mống còn được mệnh danh là "cầu tình yêu".
Cầu Ông Lớn
Cây cầu nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh thuộc quận 7, bắc qua rạch Ông Lớn. Cầu có kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam. Từ xa, du khách có thể dễ dàng nhận ra cầu Ông Lớn với diện mạo được sơn đỏ nổi bật. Nơi đây là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong danh sách những điểm check-in đẹp ở TP.HCM.