Cây cầu gỗ lim bạc tỷ, “dát” 7 tấn đồng độc nhất Việt Nam: Diện tích hơn 2.400m2, ghép từ 16.000 thanh gỗ

Cây cầu này được xem là con đường gỗ lim “độc nhất vô nhị” tại Huế cũng như Việt Nam.

Toạ lạc ngay giữa trung tâm thành phố, cầu gỗ lim Huế nằm giữa cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân, ngay bờ phía nam của dòng sông Hương đầy thơ mộng. Với vị trí địa lý thuận lợi cùng lối kiến trúc hài hoà với thiên nhiên, cầu gỗ lim đã nhanh chóng thu hút nhiều sự quan tâm của du khách kể từ lúc mới vừa được hoàn thành. Đây là địa điểm để lý tưởng để người dân đi dạo và hóng mát, cũng là nơi ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn đẹp nhất của xứ Huế mộng mơ.

Cây cầu gỗ lim Huế là công trình kiến trúc gắn kết tình hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc. Công trình này nằm trong dự án quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hương. Được tổ chức KOICA tài trợ hoàn toàn với vốn đầu tư là 64 tỷ đồng. Cây cầu được thi công vào cuối tháng 12/2017 và hoàn thành vào tháng 11/2018. Nhưng đến 2019 thì mới chính thức được đưa vào hoạt động.

Cầu đi bộ này có chiều dài gần 400m, chiều rộng 4m, diện tích 2.443m2, kết nối với tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ở bờ nam sông Hương, được xây dựng bằng bê tông, có mặt sàn được lót bằng gỗ lim nhập khẩu Nam Phi. Tổng cộng có 16.000 thanh gỗ lim, chi phí trên 5,7 tỷ đồng. Gỗ lim cũng mang lại cho cây cầu một mùi hương dịu nhẹ rất đặc trưng, khiến du khách vừa tản bộ vừa có cảm giác thư giãn và thoải mái.

Hệ thống lan can của cây cầu được làm từ 4.100 thanh đồng với tông màu vàng kim, tổng cân nặng lên đến 7 tấn. Toàn bộ các chi tiết được nhập hoàn toàn từ Hàn Quốc. Đặc biệt là khi ánh nắng chiếu vào, rọi bóng xuống dòng sông lung linh trông tuyệt đẹp. Cầu còn được lắp đặt hệ thống điện và đèn chiếu sáng chống nước nên dù có bị ngập sâu trong nước 4 m thì cây cầu vẫn sẽ đảm bảo hoạt động bình thường. Việc lựa chọn gỗ lim vừa cứng, bền, đẹp lại thân thiện với môi trường cùng với dãy lan can bằng đồng đã tạo nên sự “sang chảnh” cho chiếc cầu.

Năm 2018, dư luận ở Cố đô Huế xôn xao khi vật liệu gỗ lim dùng lát sàn cho mặt cầu bị phát hiện nứt nẻ từ những vết rạn chân chim đến những vệt nứt lớn trên bề mặt thớ gỗ. Trước hiện tượng này, Ban quản lý dự án KOICA và đơn vị thi công khẳng định những vết nứt gỗ hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Bởi lẽ, trong tổng số 16.000 thanh gỗ lim được lắp ráp, tỷ lệ cho phép thanh gỗ được loại bỏ thay thế là 5%, tức bằng 800 thanh gỗ.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án KOICA tại thời điểm đó cho biết, việc Ban quản lý dự án quyết định chọn gỗ lim để lát sàn tại dự án thí điểm xây dựng đường đi bộ bờ sông Hương nhằm mục đích tạo nên một công trình độc đáo mang lại điểm nhấn cho TP.Huế, góp phần xây dựng một địa chỉ tham quan thú vị, hấp dẫn bên bờ sông Hương đối với du khách.

TIN LIÊN QUAN