Cầu gỗ quý hiếm gần 250 năm tuổi được thiết kế theo kiến trúc 'trên nhà dưới cầu', được đánh giá là một trong 5 cây cầu ngói cổ đẹp nhất Việt Nam

Chính bởi vẻ đẹp độc đáo đó, công trình này đã trở thành địa danh nổi tiếng và hấp dẫn rất đông du khách gần xa tới tham quan hàng năm.

Nếu có dịp Đến Huế, du khách muốn chiêm ngưỡng và khám phá những nét đẹp xưa cũ, rêu phong không chỉ có những công trình ở nội thành mà còn có ở các công trình kiến trúc dân gian, mang đậm nét thôn quê dân dã và bình dị. Những cảnh vật như thế sẽ thanh lọc tâm hồn, mang ta trở về với những gì bình yên nhất, trút bỏ bao nhiêu mệt nhoài của cuộc sống. Xét theo tiêu chí này, cầu ngói Thanh Toàn là địa chỉ không thể bỏ qua.

Cầu ngói Thanh Toàn có kiến trúc cổ độc đáo.

Là một trong những điểm du lịch nổi tiếng và đặc sắc của cố đô Huế, cầu ngói Thanh Toàn không chỉ nổi tiếng bởi sự cổ kính mà còn độc đáo ở kiến trúc khi nó là một trong số ít những cây cầu được dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà dưới là cầu) còn tồn tại ở Việt Nam.

Cầu hiện là một trong những di tích nổi tiếng tại Huế.

Cách trung tâm TP Huế khoảng 8km về phía đông nam, cầu ngói Thanh Toàn thuộc làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, TP Huế và được đánh giá là một trong 5 cây cầu ngói cổ đẹp nhất Việt Nam.

Theo nhiều vị cao niên ở địa phương, cây cầu được ghi nhận xây vào năm 1776, do một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần ở Thuỷ Thanh là bà Trần Thị Ðạo xây dựng. Trước kia ở đây có một dòng sông chảy qua, người dân trong làng đi làm đồng ở phía bên kia sông đều phải chèo thuyền, các hoạt động đi lại đều phải gắn liền với thuyền, đò nên khá vất vả và mất thời gian.

Cầu ngói Thanh Toàn đã được tu sửa rất nhiều để giữ được hiện trạng và trở thành điểm tham quan an toàn với du khách.

Qua bao mùa mưa nắng, rét buốt, thấy dân làng đều phải vất vả để qua sông. Là người làng, bà Trần Thị Đạo nghĩ đến việc phải làm một điều gì đó để thay đổi chuyện này. Với sự đức độ và lòng thương dân làng bà tự bỏ tiền của mình để xây dựng một cây cầu cho người dân đi lại thuận tiện hơn.

Nhằm ghi nhận công đức của bà, năm 1776, vua Lê Hiển Tông ban sắc khen ngợi bà Trần Thị Ðạo và miễn cho làng nhiều loại sưu dịch để họ nhớ đến công ơn và noi theo tấm gương tốt của bà. Năm 1925, vua Khải Định cũng ban sắc phong trần cho bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh phò và lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà.

Không gian thanh bình tại đây cho du khách những giờ phút nghỉ ngơi và tận hưởng sự yên bình trong tâm hồn.

Chiều dài ban đầu của cầu ngói Thanh Toàn là 18,75m, rộng 5,82m. Tuy nhiên qua bốn lần trùng tu và ảnh hưởng của thời gian, thiên nhiên, chiến tranh ngày nay cầu chỉ còn dài 16,85m, rộng 4,63m.

Về kết cấu phần “thượng gia” (các gian nhà), cầu ngói sử dụng hệ vì kèo gỗ với 7 gian. Gian giữa cầu cũng là gian lớn nhất là nơi thờ bà Trần Thị Đạo, 6 gian còn lại có kết cấu đối xứng nhau, đều có hai dãy bục gỗ và lan can, chia ra làn đi bộ ở giữa và làn nghỉ chân ở hai bên, tạo sự duyên dáng, hài hòa cho cây cầu ngói.

Cầu được dùng họa tiết Rồng, Phượng để đắp trang trí ở các bờ nóc của mái ngói.

Ở Việt Nam hiện nay, ngoài cầu ngói Thanh Toàn còn có vài cây cầu có kiến trúc tương tự vậy, là Chùa Cầu (Hội An), cầu ngói ở xã Hải Anh (Hải Hậu, Nam Định), cầu ngói Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), hai cây cầu ngói ở Chùa Thầy (Hà Nội).

Mặc dù có nhiều nét tương đồng trong kiến trúc nhưng nếu như Chùa Cầu (Hội An) sử dụng linh vật là Chó, Khỉ để trang trí, trong khi cầu ngói Thanh Toàn lại dùng Rồng, Phượng để đắp trang trí ở các bờ nóc của mái ngói, đầu hồi trang trí pháp lam, hoa văn cũng đều cùng một chủ đề “hóa rồng”.

Ở phần kết cấu “hạ kiều” (mố, trụ cầu), cầu ngói Thanh Toàn có 6 trụ cầu bằng gỗ lim, tiết diện tròn được dầm nhiều nhịp, mố xây đá hộc.

Sau gần 250 năm tồn tại, đến đầu tháng 4/2020, cây cầu được chính quyền địa phương hạ giải để tiến hành bảo tồn, tu bổ và tôn tạo lại. Dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Việc tu bổ, tôn tạo cầu dựa trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên bản, vật liệu gốc.

Cầu ngói lung linh, huyền ảo trong đêm.

Dừng chân ở cầu ngói Thanh Toàn, du khách có thể thu vào tầm mắt cả bức tranh yên bình đặc trưng của làng quê Việt Nam với cánh đồng lúa bát ngát, có con sông Như Ý yên bình chảy qua, với lũy tre xanh và những người nông dân đang hăng say lao động như cất vó, chăn trâu, bắt ốc… Không gian thoáng đãng, yên bình đó cùng với kiến trúc đặc biệt cũng như ý nghĩa tốt đẹp của cầu ngói Thanh Toàn đã khiến cho nơi đây không chỉ là điểm nghỉ chân của người dân trong vùng, mà là nơi để ai ai cũng phải ghé thăm khi đến với Huế:

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn

Cho em về với một đoàn cho vui”.

Cầu ngói Thanh Toàn được đánh giá là cây cầu cổ có nhiều giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và văn hóa được xem là công trình làng quê đẹp nhất ở xứ Huế. Tại các kỳ Festival Huế, cây cầu luôn được chọn là địa điểm tổ chức sự kiện "Chợ quê ngày hội" thu hút lượng lớn người tham gia và hiện đang là điểm đến hấp dẫn của du lịch cộng đồng ở đất cố đô.

Với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, cầu ngói Thanh Toàn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là Di tích Văn hóa cấp Quốc gia năm 1990.