Câu chuyện bất ngờ về 'bá chủ' ngành đồ ăn nhanh trên thế giới nhưng 9 phần lợi nhuận đến từ bất động sản

Chiến lược kinh doanh dòng tiền kép mang lại cho McDonald's nguồn doanh thu ổn định, khiến công ty trở thành một trong những nhà khai thác bất động sản thương mại lớn nhất thế giới.

McDonald's - gã khổng lồ về thức ăn nhanh, không chỉ phục vụ hàng tỷ khách hàng trên toàn thế giới với món bánh mì kẹp thịt đặc trưng mà còn là một trường hợp điển hình điển hình về mô hình kinh doanh thành công và độc đáo của mình. Một trong những yếu tố then chốt làm nền tảng cho sự thành công của McDonald's là mô hình nhượng quyền thương mại.

Gã khổng lồ thức ăn nhanh có khởi đầu khá khiêm tốn. Anh em nhà McDonald, con trai của những người nhập cư Ireland, lần đầu tiên mở một quầy bán xúc xích vào năm 1937 ở Pasadena. Đến năm 1953, họ đã đạt được một số thành công khi sử dụng phương pháp chế biến bánh mì kẹp thịt theo dây chuyền lắp ráp. Họ đã bắt đầu mở thêm nhà hàng, tuy nhiên, tên tuổi vẫn không hề nổi trội trên thị trường.

McDonald's là một trong những nhà kinh doanh bất động sản lớn trên thế giới.

Vào năm 1950, Ray Kroc - một nhân viên bán máy xay sinh tố đã mở một chi nhánh cửa hàng McDonald. Ông Ray cũng chính là chủ đất mà cha đẻ của McDonald thuê mặt bằng. Sau 6 năm làm việc với McDonald's, ông Ray nhận thấy mô hình kinh doanh của 2 anh em nhà McDonald không phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình, ông quyết định mua lại chúng và trở thành chủ sở hữu của Tập đoàn McDonald's vào năm 1961. 5 năm sau đó, ông đăng ký độc quyền cho thương hiệu McDonald's.

Ông Ray nhanh chóng nhận thấy tiềm năng của việc nhân rộng quầy bán bánh bì kẹp thịt kiểu dây chuyền trên toàn quốc. Tầm nhìn này đã dẫn đến sự ra đời của mô hình nhượng quyền thương mại McDonald's. Bản thân Ray Kroc cũng được coi là ông tổ của mô hình này.

McDonald's tạo ra những "lâu đài" chứa thức ăn nhanh

Cựu Giám đốc tài chính của McDonald's, Harry J. Sonneborn đã từng phát biểu: “Về mặt kỹ thuật, chúng tôi không kinh doanh thực phẩm. Chúng tôi đang kinh doanh bất động sản".

Thực tế cũng chứng minh điều đó, McDonald’s là một công ty chuyên kinh doanh bất động sản hơn là hoạt động trong mảng nhà hàng ăn uống. Báo cáo tài chính năm 2019 của McDonald’s cho thấy tổng giá trị tài sản bao gồm trang thiết bị, bất động sản… trước khi khấu trừ đạt tới 39 tỷ USD. Con số này biến McDonald’s trở thành một trong những đế chế kinh doanh bất động sản trên thế giới.

Ngày nay, hơn 90% nhà hàng McDonald's trên toàn thế giới được sở hữu và điều hành bởi các nhà nhượng quyền độc lập. Mô hình này cho phép công ty phát triển mà không cần chi nhiều vốn, đồng thời khai thác tinh thần kinh doanh và đặc điểm riêng của thương hiệu nổi tiếng không phải địa phương mình. 

Thay vì kiếm tiền bằng cách bán hàng cho những người được nhượng quyền hoặc đòi hỏi khoản tiền bản quyền khổng lồ… McDonald's mua bất động sản rồi cho thuê với mức lãi lớn. Ngoài thu nhập thường xuyên đó, công ty sẽ lấy phần trăm trên doanh thu của mỗi cửa hàng.

Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng bình quân các nhà hàng nhượng quyền tại Mỹ trả 6-10% doanh số của họ cho tiền thuê đất, thì với McDonald’s, con số này lên đến 8,5-15%. Họ phải trả cho Tập đoàn McDonald's phần trăm doanh thu cũng như tiền thuê mặt bằng. Chỉ cần một cửa hàng nhượng quyền rút lui sẽ có hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người khác muốn "nhảy vào" nhượng quyền.

Cửa hàng McDonald's tại Việt Nam.

Các cửa hàng của McDonald’s đều sở hữu những vị trí đắc địa như góc hai mặt tiền hay trên những con đường lớn sầm uất. Hãng không chỉ đơn thuần việc thuê một mặt bằng để kinh doanh mà họ sẽ đàm phán để thuê mua hoặc nhờ một đối tác tài chính đứng vào hỗ trợ để mua lại toàn bộ mặt bằng này. Do đó, chi phí bỏ ra ban đầu không quá lớn, họ vẫn xoay vòng được dòng tiền. Và sau nhiều năm thuê, có thể sau đó họ mua đứt mặt bằng này và kinh doanh lại.

Trong cuộc suy thoái năm 2008, tận dụng thị trường bất động sản đang suy yếu, McDonald's đã mua thêm đất và các tòa nhà nơi công ty hoạt động. Công ty sở hữu khoảng 45% đất đai và 70% tòa nhà tại hơn 36.000 địa điểm trên thế giới. Tuy nhiên, McDonald's chỉ sở hữu và vận hành khoảng 5% địa điểm của mình, phần còn lại được điều hành bởi bên nhượng quyền. Chiến lược này mang lại cho McDonald's nguồn doanh thu ổn định, khiến công ty trở thành một trong những nhà khai thác bất động sản thương mại lớn nhất thế giới. Mô hình này thường được gọi là kinh doanh bất động sản dòng tiền kép.

Năm 2014, tập đoàn McDonald's đạt doanh thu 27,4 tỷ USD, trong đó 9,2 tỷ USD (82%) đến từ các địa điểm được nhượng quyền và các nhà hàng do chính công ty điều hành chỉ đạt 18,2 tỷ USD (16%).

Báo cáo tài chính 3 quý đầu năm 2023, công ty đã tạo ra hơn 7,3 tỷ USD từ những thứ không liên quan gì đến bánh mì kẹp thịt hoặc khoai tây chiên mà là từ tiền thuê mặt bằng. Con số này chiếm 63,5% doanh thu từ các bên nhận quyền, chiếm 38% tổng doanh thu của công ty, khiến bất động sản trở thành nguồn kiếm tiền lớn nhất.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, McDonald's còn dựa vào chất lượng sản phẩm đồ ăn của mình làm nền móng cho mảng bất động sản. Việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm và quy trình của công ty, cùng với "Hệ thống dịch vụ Speedee" cải tiến, đảm bảo rằng một chiếc bánh mì Big Mac đặt ở Tokyo có hương vị giống hệt New York. Sự nhất quán này xây dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng.

Thành công của mô hình kinh doanh McDonald's nằm ở khả năng kết hợp các chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ, hiệu quả hoạt động và khả năng thích ứng. Nó là minh chứng cho thực tế rằng ngay cả trong thế giới thức ăn nhanh phát triển nhanh chóng, vẫn có chỗ cho các chiến lược tăng trưởng ổn định và bền vững.

Lược dịch từ Wall Street Survivor, USA Today.