Cao su kêu cứu- Sắp đươc tháo gỡ!

(CL&CS) - Nếu đề xuất ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì quy định Danh mục “hàng hóa thiết yếu” của Bộ Công Thương được chấp thuận thì rất nhiều ngành đang được coi là “không thiết yếu” như cao su sẽ có lối thoát trong bối cảnh dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp…

Theo báo cáo của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19  của Bộ NN&PTNT (Tổ Công tác 970), ở Bình Dương, Bình Phước, các đại lý thu mua cao su phải tạm dừng hoạt động vì cao su không phải mặt hàng thiết yếu.

Mới đây nhất, Báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sáng ngày 26/7 tới Tổ công tác phản ảnh, cận chuyển hàng hóa, thu mua mủ cao su tiểu điền gặp rất nhiều khó khăn như: Giấy thông hành, giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày; lái xe từ TP Hồ Chí Minh về tới địa phương phải cách ly 21 ngày, khiến các đơn vị vận tải không dám vận chuyển.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổ trưởng Tổ Công tác 970, ông  Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề của ngành cao su cũng là vấn đề chung cần giải quyết trong nhiều ngành hàng khác phản ánh qua Tổ công tác. “Nhiều địa phương đã đưa cao su vào mặt hàng thiết yếu lưu thông nhưng đây là vấn đề chưa thống nhất tại các địa phương!”- Thứ trưởng cho hay.

Trước đó, nhiều phản ánh để Tổ Công tác về việc vận chuyển, phân phối sản phẩm; vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản  gặp khó khăn do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch. Theo phản ánh của nhiều HTX, đã có dấu hiệu tăng giá thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phân bón; có dấu hiệu khan hiếm các vật tư phục vụ sản xuất như: Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang khó mua túi bao trái xoài, mít do các mối mua hàng của tỉnh là các cơ sở sản xuất nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh ngưng sản xuất.

Tại buổi họp báo của Tổ Công tác 970 về hoạt động kết nối cung cầu nông sản sang 26/7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, danh mục hàng hóa thiết yếu để được lưu thông qua các trạm kiểm soát là một trong các khó khăn hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa thiết yếu các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản. “Việc bổ sung danh mục này nhằm ổn định sản xuất và đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm trong thời gian trước mắt và ổn định lâu dài.,,.”- Bộ NN&PTNT khẳng định…

Tuy nhiên cao su lại là câu chuyện khác thì đây không phải đầu vào của nguồn cung nông sản thực phẩm.

Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt khoảng 681 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 41,3% về lượng và tăng 79,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Theo Tổ Công tác, xuất khẩu cao su vẫn thuận lợi, thông suốt nhưng việc thu hoạch mủ nguyên liệu khó khăn nhất là khu vực tiểu điền,

Với đề xuất ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì quy định Danh mục “hàng hóa thiết yếu” của Bộ Công Thương được chấp thuận thì rât có thể khó khăn của ngành cao su sẽ được tháo gỡ…

Tại Công văn 4482 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ký chiều ngày 27/7/2021, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định tại Phụ lục I, Phần A về Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và Phụ lục II, Phần A về Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh ban hành kèm theo Văn bản 19/VBHN-BCT ngày 09/5 /2014 do Bộ Công Thương ban hành hợp nhất Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và các Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2006/NĐ-CP (trừ những hàng hóa được Thủ tướng Chính phủ cho phép).

TIN LIÊN QUAN