Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, dù thị trường bất động sản đón nhận nhiều mặt tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành nhưng hiện nay sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định.
Tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dù chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng đã triển khai dự án; chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản trái quy định; thực hiện các dự án phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý...
Những vấn đề trên đã gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường có thể tạo tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, bất động sản.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh thì dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra rất nhiều. Hiện tại dịch bệnh và các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất khó khăn, do vậy dòng tiền sẽ chảy vào khu vực chứng khoán. Trong khi đó, khu vực chứng khoán và bất động sản được xem là bình thông nhau. Tuy nhiên không phải ai cũng đầu tư chứng khoán được và vì thế lúc đó bất động sản là cơ hội.
Cũng theo TS. Khương, trong năm 2022 - 2023, đối với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn thì nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do đó, đầu tư chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ là chiều hướng của sóng đi lên trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang kiên nhẫn chờ đợi những làn sóng mới của thị trường, sự phục hồi của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng từ nhà nước.
Tuy nhiên, để hạn chế các rủi ro trong đầu tư bất động sản trong bối cảnh hiện nay, TS. Khương cũng khuyến cáo các nhà đấu tư “lướt sóng” những chuẩn mực về đầu tư bất động sản đối với thị trường Việt Nam trong thời gian tới cần cân nhắc. Trước hết là về vấn đề pháp lý của các dự án bất động sản, để an toàn nhà đầu tư nên chọn những dự án hoặc hay những bất động sản có pháp lý rõ ràng. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều rủi ro, nhà đầu tư nên sử dụng đòn bẩy tài chính vừa phải, dự phòng các nguồn tài chính để trả nợ ngân hàng khi vay. Bên cạnh đó sự kỳ vọng quá lớn sẽ dẫn đến nhận định chủ quan về tiềm năng bất động sản mình định mua. Nhà đầu tư nên dành một khoản “dự phòng” để có cách ứng xử phù hợp khi thị trường đảo chiều hoặc không tốt như kỳ vọng. Ngoài ra, nhà đầu tư nên chọn lựa các sản phẩm phù hợp, với những tiêu chí cần quan tâm như chủ đầu tư, cơ sở hạ tầng cứng, cơ sở hạ tầng xã hội.
Theo Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, trong thời gian tới, nếu nhà đầu tư mua bất động sản để ở thì cũng cần cân nhắc để mua. Nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn thì cũng cần cân nhắc, xem xét lại phương án kinh doanh cũng như giảm bớt kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu lướt sóng của nhiều năm trước nữa.
Bất động sản nhà ở thì khó có thể giảm, bởi vì nguồn cung trên thị trường hiện đang khan hiếm. Do đó, cần phải cẩn thận khi lựa chọn sản phẩm và nên giảm thiểu sử dụng đòn bẩy tài chính vì áp lực trả nợ lớn khi thiếu thanh khoản. Nếu thị trường gặp khó khăn, thì trong nhiều trường hợp tiền lãi phải trả còn lớn hơn mức độ tăng giá nhất là với các nhà đầu tư lướt sóng và ngắn hạn thì càng phải thận trọng.