Cần một cơ chế mạnh để xử lý nợ xấu

(NTD) - Thời gian vừa qua các ngân hàng đồng loạt “kêu than” việc xử lý nợ xấu khó khăn vì nhiều vướng mắc. Trước kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chính phủ cho rằng, cần thiết phải ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Điều này càng cần thiết hơn hết trong bối cảnh nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.

Xử lý nợ xấu đang bị “nghẽn”

Theo báo cáo tóm tắt Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng xử lý nợ xấu còn chậm là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng (TCTD). Quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cũng còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.

Luật Đất đai chỉ cho phép TCTD được nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã hạn chế quyền mua, bán nợ có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của các chủ thể khác không phải là TCTD; pháp luật hiện hành cho phép được mua, bán nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, nhưng chưa có quy định cụ thể về bán nợ thấp hơn giá trị ghi sổ… Các bất cập này cản trở việc tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD/VAMC.

Hiện nay nhiều quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều vướng mắc, bất cập, không bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm như: Quy định về xử lý vi phạm nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, quy định cho phép kê biên cả tài sản bảo đảm, quy định về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản…

Vừa qua, việc thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án không hiệu quả (thời gian giải quyết khoảng 400 ngày, nhưng thực tế là khoảng 2 năm; chi phí chiếm khoảng 29% giá trị đòi nợ; chỉ số chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18). Trong khi đó, pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

Mặt khác, pháp luật về thuế, phí liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều quy định không hợp lý ảnh hưởng đến quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD. Các vướng mắc pháp lý nêu trên hầu hết liên quan đến quy định tại các luật nên để xử lý các bất cập, khó khăn, vướng mắc này thì cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao như hình thức nghị quyết hoặc luật của Quốc hội.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu thì mua nợ xấu cần phải trả bằng tiền mặt chứ không phải trả bằng trái phiếu đặc biệt.

Các ngân hàng kêu khó xử lý nợ xấu

Chính vì những “điểm nghẽn” trên, nên trong cuộc họp với NHNN mới đây, một số ngân hàng đồng loạt kêu than việc xử lý rất khó khăn vì vướng nhiều cơ chế. Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), than phiền về việc tài sản thế chấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm nợ vay và thu hồi nợ của các TCTD.

Tương tự, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), chia sẻ: “Nỗi ám ảnh lớn nhất của các ngân hàng thương mại là thu hồi, xử lý nợ và thi hành án!”. Trong khi đó, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), kiến nghị cơ quan chức năng cho chuyển nợ thành vốn góp, vì thực tế tình trạng này (chuyển nợ thành vốn góp) đã xảy ra, nhưng lại chưa đủ hành lang pháp lý để thực hiện.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, không phải đến thời điểm này, các rào cản trong quá trình xử lý nợ xấu, thi hành án mới tạo nhiều khó khăn trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Bởi, cho đến nay luật không cho phép ngân hàng tự phát mãi tài sản khi khoản nợ đó rơi vào nợ xấu nếu không được sự đồng ý từ phía khách hàng nên rất khó ngăn chặn nợ.

Nợ xấu vốn được các chuyên gia kinh tế ví là “cục máu đông” làm tắc nghẽn sự phát triển của nền kinh tế, nếu không kịp thời xử lý, hệ lụy rất khôn lường. Không những không khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, khó giảm được lãi suất cho vay, mà còn ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Nợ xấu được coi là “cục máu đông” của nền kinh tế, nên Chính phủ cho rằng cần thiết phải ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu. (Ảnh: Cafef)

Cần Nghị quyết của Quốc hội để xử lý nợ xấu

Tại phiên làm việc của Quốc hội chiều 22/5, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ” và đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam” (VAMC) ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013, đến nay, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611,59 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Chính vì vậy, Chính phủ cho rằng cần thiết phải ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Điều này càng cần thiết hơn hết trong bối cảnh nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.

 Mai Trinh

 

 
Nên đọc