Sáng 30/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Giải ngân chậm, nhiều người dân chưa được thụ hưởng chính sách
Với nội dung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đoàn giám sát cho biết chương trình mục tiêu quốc gia này được Quốc hội khóa XIV phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120, có kinh phí tối thiểu hơn 137.000 tỷ đồng.
Đến nay, vốn ngân sách Trung ương trung hạn và hàng năm của Chương trình đã được phân bổ hết cho các địa phương, đảm bảo theo quy định của Luật hiện hành.
Ở địa phương việc phân bổ ngân sách đảm bảo theo tiêu chí, định mức và hướng dẫn của Trung ương.
Theo báo cáo của Chính phủ và số liệu của Ủy ban Dân tộc, tổng vốn phân bổ cho Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là 50.000 tỷ đồng, trong đó các địa phương hơn 47.400 tỷ đồng.
Về kết quả giải ngân, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy tính đến ngày 30/6 đã hoàn thành và thanh toán vốn Trung ương đạt 18,9% so với kế hoạch trung hạn. Nếu tính theo vùng, địa phương, tổng số vốn cả giai đoạn 2021-2023 có 4 địa phương đạt dưới 5%; 6 địa phương đạt 5-10%; 15 địa phương đạt 10,1-20%; 15 địa phương đạt 20,1-30%; 4 địa phương đạt 30,1-50%; chỉ 3 địa phương đạt trên 50%.
Năm 2022, có 25 địa phương giải ngân đạt trên 30%, 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có 4 địa phương giải ngân trên 30%.
Đáng lưu ý, đầu năm 2023, vùng Trung du và miền núi phía Bắc mặc dù chỉ có 14/51 tỉnh (27,4%), nhưng có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm đến 50% tổng dân số cả nước, có 64,4% xã khu vực III, có 70,27% thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Những địa phương này được phân bổ 55,2% tổng vốn của Chương trình nhưng kết quả giải ngân chỉ xấp xỉ tiến độ giải ngân chung cả Chương trình (18,1%). "Điều này cho thấy có rất nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn và người dân ở vùng này chưa được thụ hưởng chính sách", theo báo cáo của Đoàn giám sát.
Báo cáo cụ thể về kết quả đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình, Đoàn giám sát nhận định "rất tích cực".
Các chỉ số về cơ sở hạ tầng cơ bản đều đạt chỉ tiêu của Chương trình. Chương trình lựa chọn, ưu tiên thực hiện ở địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn nhất, đảm bảo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và Chính phủ cam kết đến năm 2025 Chương trình hoàn thành giải ngân 100% vốn và đạt được các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết Quốc hội.
Cụ thể, mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao).
Nhóm mục tiêu về cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng ghi nhận nhiều số liệu tích cực.
Trong đó, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt trung bình 98,6%; Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt trung bình 91,4%; Tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt trung bình 95,7%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt trung bình 98,9%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trung bình 94% (vượt so với mức 90% mục tiêu kế hoạch giao); Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình đạt trung bình 94,9%.
Trong nhóm mục tiêu về công tác giáo dục, Đoàn giám sát cho biết tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trung bình 94,9/98%; Tỷ lệ học sinh cấp tiểu học, THCS, THPT đến trường đều vượt mục tiêu đề ra.
Cần cơ chế đặc thù cho an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu sổ
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nghệ An nêu một số vướng mắc trong quá trình triển khai, như tiến độ giải ngân nguồn vốn của chương trình chậm, ban hành văn bản hướng dân chậm…Đại biểu nhấn mạnh, khó khăn vướng mắc lớn của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là việc làm và thu nhập ổn định trên mảnh đất quê hương, nhưng rất khó có doanh nghiệp nào bất chấp những rủi ro về địa hình, địa lý và thời tiết để có thể đáp ứng mong muốn của người dân địa phương.
Đại biểu đề nghị tập trung tháo gỡ các quy định liên quan đến khoán vào bảo vệ rừng, nâng mức hỗ trợ để thu hút sự quan tâm của người dân cũng như của doanh nghiệp và đưa nhà khoa học tham gia thực hiện dự án.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nghệ An
"Khó khăn lớn nhất là quá trình triển khai trên thực địa đến tận thôn, xóm, bản, hội, nhưng tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp. Đại biểu cho rằng, Chính phủ đánh giá thẳng thắn và đưa ra các giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp trong thực hiện chương trình. Đồng thời, Chính phủ cần thiết phải thiết lập hệ thống đánh giá giám sát chương trình thực sự khách quan khoa học để có cơ sở dữ liệu đúng, xác thực tế và minh bạch", nữ đại biểu đoàn Nghệ An nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cũng đề nghị Chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay, để tạo sự chủ động linh hoạt cho các địa phương xem xét kinh phí thực hiện cho cấp huyện. Có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn, để các địa phương này có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, qua giám sát, khảo sát cho thấy nhiều văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng khó hiểu khó thực hiện không phù hợp thực tế. Việc dẫn chiếu quá nhiều trong một văn bản dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cán bộ và người dân đặc biệt là cán bộ cấp xã ở các địa phương miền núi vùng cao địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn. Giải thích từ ngữ đầy đủ, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều các văn bản trong cùng một nội dung. Đối với cấp xã nên ban hành dưới dạng Sổ tay hướng dẫn thực hiện; đồng thời bổ sung quy định cụ thể rõ ràng việc phối hợp lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình dự án khác để thuận lợi cho quá trình giải ngân các nguồn vốn, hạn chế việc chồng chéo trùng lắp vào địa bàn đối tượng nguồn vốn gây thất thoát lãng phí làm giảm hiệu quả của các chương trình.