Chủ nhân của tòa lâu đài này là ông Lương Văn Quang, sinh năm 1973, tại làng nghề chế tác đá truyền thống Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ông Lương Văn Quang là nghệ nhân bàn tay vàng của làng nghề đá, với bố và ông nội đều là những nghệ nhân nổi tiếng của vùng đất cố đô Hoa Lư.
Tòa lâu đài bằng đá độc nhất vô nhị tại Ninh Bình này đặt tại trung tâm Tam Cốc (Hoa Lư), được đưa vào hoạt động từ năm 2020 và hiện là một điểm đến thú vị cho du khách khi đến với Ninh Bình. Tòa nhà đá uy nghi có diện tích 450m2 với 3 tầng cao 27m, chưa kể tháp chuông. Công trình vừa thiết kế vừa thi công từ năm 2006 đến 2020 mới cơ bản hoàn thiện, tọa lạc tại xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, gần bến thuyền Tam Cốc, thuộc vùng đệm của quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An - Tam Cốc - Bích Động.
Điểm nhấn của ngôi nhà là đại sảnh, đồng thời là không gian tiếp khách và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Bức phù điêu lớn trên mái của đại sảnh là một trong những khối đá lớn nhất, có trọng lượng lên đến hàng chục tấn.
Toà nhà đá quay hướng bắc, nhìn sát đường đi Tam Cốc - Bích Động. Trong đó, tầng 1 là tầng hầm, có diện tích 410m2, cao 2,65m, âm sâu dưới đất là 1m. Kết cấu của tầng này bao gồm 2 lớp tường bằng đá khối và 4 trụ đá ở giữa, có đường kính rộng 1,1m để chịu lực chính. Lớp tường ngoài bằng đá dày 0,3m, trong khi lớp tường trong có độ dày là 0,4m.
Tầng 2 có diện tích là 410m2, cao 5m. Tường bao quanh tầng này được tạo thành từ sự kết hợp của 21 cột đá và vách bưng đá gồm 20 tấm đá. Bốn mặt tường có 18 cửa sổ, hào cửa sổ và khung cửa đều làm bằng đá trắng, tạo không gian thông thoáng cho tường vách và đồng thời đóng vai trò như những cột đỡ cho phần kết cấu phía trên.
Tương tự như tầng 2, tầng 3 của toà nhà đá có kiến trúc bao gồm 4 cột đá lớn nguyên khối, cao 3,8 m, đường kính 0,9m, đặt tại 4 góc sát tường bao tầng. Tường của tầng 3 cũng chỉ có 18 cột đá và vách bưng đá tương tự như tầng 2. Điểm độc đáo ở tầng 3 là không có cửa ở phía bắc như tầng 2, thay vào đó, trên dầm đá phía Bắc ở giữa được dựng một bức phù điêu đá lớn. Phù điêu đá này cao 7,5m, bao gồm một bức phù điêu, 2 cột đá và mái phù điêu.
Tháp chuông, hay vọng gác, được thiết kế ba tầng và nằm ở phía cuối của ngôi nhà, cũng được làm hoàn toàn bằng đá. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra toàn bộ khung cảnh của khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Chủ nhân của tòa lâu đài cho biết một nhóm thợ khoảng 20-30 người đã làm việc ròng rã trong suốt 14 năm mới hoàn thành. Trong giai đoạn cao điểm, gần 100 người tham gia vào quá trình xây dựng.
Theo Báo Công Thương, sau khi tham quan toà nhà đá với những vòm thiết kế hoa văn nổi bật về các thời kỳ lịch sử, nhà Sử học Lê Văn Lan đã nói: “Tòa nhà này, tôi có thể đặt cho 3 chữ kỳ: “Kỳ công - Kỳ vỹ - Kỳ tích”. Phải nói rằng, công trình này như một di sản vô giá để lại cho đời sau. Tôi mong muốn đây sẽ trở thành một bảo tàng lịch sử để giới thiệu cho thế hệ trẻ và du khách nước ngoài về lịch sử Việt Nam, hiểu rõ hơn về mảnh đất, con người “dòng giống Tiên - Rồng”.