Các ngành hàng nông nghiệp trọng điểm đang đối mặt với những khó khăn gì?

(CL&CS) - Theo Bộ NN&PTNT nhiều khó khăn đang thách thức mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 44 tỷ USD trong năm 2021, đặc biệt các ngành hàng nông nghiệp trọng điểm…

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 sáng 13/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, 3 ngành hàng nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Cụ thể, với ngành trồng trọt, tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL được các Bộ ngành, địa phương tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn mua, vận chuyển, chế biến, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn như tồn đọng lúa gạo do các DN khó khăn trong chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ, dẫn đến tiêu thụ chậm, giá lúa giảm.

Nhiều địa phương dồn ứ nông sản không tiêu thụ kịp

Cùng với dó, giãn cách xã hội tác động tiêu cực tới ngành hàng cây ăn quả như giảm sức mua, tiêu thụ nội địa, xuất khẩu khó khăn, một số vùng thương lái ngừng thu mua do không tiếp cận được vùng sản xuất, phương tiện vận chuyển thiếu, chi phí cao, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, các thị trường khác thiếu tàu vận chuyển, container... dẫn đến giá trái cây thấp, một số nơi có tình trạnh thừa ế không tiêu thụ được.

Trong lĩnh vực trồng trọt nhiều hộ nông dân khu vực phía Nam, vùng thực hiện giãn cách xã hội thiếu tiền vốn để mua giống, vật tư, thuê nhân công, máy móc phục vụ sản xuất, người dân không mặn mà sản xuất các vụ tiếp theo hoặc không đủ tiền đầu tư cho tái sản xuất dẫn đến kế hoạch sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 không đảm bảo, rất có thể dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm nếu không có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp,

Đối với ngành chăn nuôi, khâu giết mổ, chế biến hoặc sơ chế chịu sự quản lý chặt về điều kiện sản xuất, gây tắc nghẽn hoạt động sản xuất kinh doanh; phát sinh các chi phí chăn nuôi khi không xuất chuồng được; giá thức ăn chăn nuôi (chiếm 65-70% giá thành sản phẩm) và thuốc thú y ngày một tăng cao; mức độ tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm (ngoại trừ mặt hàng trứng gia cầm) gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều (khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng không hoạt động; một số nhà máy giết mổ, chế biến có người bị COVID-19 phải đóng cửa...) đặc biệt là Hà Nội và TPHCM; mức độ tiêu thụ thực phẩm giảm 30 - 40%, có loại giảm tới 70% như gà công nghiệp; trang trại và hộ chăn nuôi hạn chế tái đàn vì giá tiêu thụ sản phấp thấp, giá đầu vào tăng, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về thực phẩm vào các tháng cuối năm.

Một số sản phẩm giống không được lưu thông, như gia súc ở 14 tỉnh khu vực ĐNB và ĐBSCL không cho vận chuyển, sẽ rất khó khăn cho việc phối giống để tái đàn trong giai đoạn sắp tới.

Đối với ngành thủy sản, với nhiều lý do khác nhau, chỉ có 30% DN chế biến thủy sản phía Nam hoạt động với công suất trung bình giảm còn 30-35%; nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Hiện tại, có 15 nhà máy thức ăn cho thủy sản, 120 nhà máy chế biến thủy sản có ca F0 phải dừng hoạt động.

Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu; vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%;

Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gẫy. Giá sản phẩm thủy sản giảm 15-20% so cùng kỳ. Các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá (bao gồm sửa chữa tàu, máy móc, cung cấp dầu, nước đá, thực phẩm) gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ.

Đặc biệt, ngành chế biến gỗ, ngành có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Hiện nay, ngành chế biến gỗ có trên 5.700 DN chế biến, trong đó có khoảng 2.100 DN trực tiếp xuất khẩu. Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến thời điểm này đã có hơn 50% DN chế biến, xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương) phải ngừng và giảm sản xuất do phải giãn cách, thiếu hụt lao động, chi phí sản xuất tăng (chi phí xét nghiệm vắc xin, chi phí logistic, chi phí duy trì “3 tại chỗ” )...

Tháo gỡ khó khăn để nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế …

Từ những khó khăn mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, đối với sản xuất trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp. Trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT đôn đốc các địa phương triển khai kế hoạch nuôi trồng theo đúng tiến độ đã đưa ra từ đầu năm. Bên cạnh đó xây dựng phương án và chỉ đạo điều chỉnh linh hoạt cơ cấu mùa vụ, loại nông sản nuôi trồng để điều tiết nguồn cung, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thực sự để nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Tài chính, hiệp hội doanh nghiệp trong đàm phán, cung cấp các thông tin thị trường…; chủ động đưa các vấn đề về đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật liên quan đến thị trường nông sản; chủ động, tăng cường trao đổi, đàm phán với các thị trường nhập khẩu chính về việc tạo thuận lợi trong thủ tục thông quan hàng hóa nông sản…

TIN LIÊN QUAN