Tuần qua, thị trường mở không phát sinh giao dịch mới. Lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,19%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,24%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất tiền gửi cũng ổn định ở mức 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5,0%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng 2020 lần thứ 2 cho một số ngân hàng thương mại, trong đó mức cao nhất lên tới 30%. Một số ngân hàng mà đi đầu là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank cũng tung ra gói cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất ưu đãi (thấp hơn từ 20-50bps) để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm; mức lãi suất cho vay dao động từ 4,8-6,5%/năm với các khoản vay dưới 6 tháng và 5,5-7,5%/năm với các khoản vay 6 - 12 tháng.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay mua nhà, ô tô của hầu hết các ngân hàng thương mại chỉ giảm 10-20bps so với cuối quý 3/2020, ở mức 7-9,5%/năm cho kỳ lãi suất cố định, sau đó điều chỉnh theo lãi suất tiền gửi hoặc lãi suất điều chuyển vốn nội bộ của ngân hàng (quanh mức 10,5%-11,5%/năm).
CTCP Chứng khoán SSI cho rằng: Tín dụng tăng trưởng khả quan hơn trong quý cuối năm nhưng thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi sẽ vẫn duy trì xu hướng đi ngang trong một vài tháng tới.
Tuần qua, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 7.500 tỷ đồng trái phiếu, lượng đăng ký gấp 3 lần lượng gọi thầu và toàn bộ được phát hành hết. Lãi suất trúng thầu giảm 3-7bps ở cả 3 kỳ hạn 10 năm, 15D và 30 năm. Như vậy, lãi suất trúng thầu đã giảm liên tục trong 3 tuần gần đây, mức giảm tổng cộng là 19-20bps với 2 kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Nhờ vậy, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng giảm mạnh (37-41 bps) so với phiên đầu thầu gần nhất cách đây 1 tháng.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 299.800 tỷ đồng trái phiếu, hoàn thành gần 100% kế hoạch phát hành cả năm 2020. Áp lực phát hành trong ngắn hạn khá thấp cùng với kỳ vọng giảm lãi suất khiến cho lợi tức trái phiếu Chính phủ chịu áp lực giảm những tuần gần đây.
Lợi tức trái phiếu trên thị trường thứ cấp dao động nhẹ. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (0,17%, 0 bp); 3 năm (0,39%; -2 bps); 5 năm (1,11%, -5 bps); 10 năm (2,4%, +2 bps); 15 năm (2,61%, +2 bps); 20 năm (3,02%, 0bp); 30 năm (3,16%, -2 bps). Thanh khoản thị trường bùng nổ, đạt mức 81.400 tỷ đồng (+92% so với tuần trước). Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 809 tỷ đồng, lũy kế mua ròng gần 5.800 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.